Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tiếp đón ông Macron tại Đại lễ đường Nhân dân, trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối ngày.
Sau khi đặt chân tới Bắc Kinh, ông Macron nói rằng châu Âu phải chống lại việc cắt giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc, vốn gây có mâu thuẫn với phương Tây về các vấn đề bao gồm căng thẳng Đài Loan và quan hệ thân thiết với Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen, trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm 2019, đã nói rằng châu Âu phải "loại bỏ rủi ro" trong quan hệ với Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã chuyển từ kỷ nguyên cải cách và mở cửa sang kỷ nguyên an ninh và kiểm soát.
Trong nhiệm kỳ của bà Ursula von der Leyen, quan hệ của châu Âu với Trung Quốc trở nên xấu đi, chủ yếu là do các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng làm đình trệ hiệp ước đầu tư vào năm 2021 và việc Bắc Kinh từ chối lên án Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Sau nhiều năm duy trì mối quan hệ ảm đạm do căng thẳng ngoại giao và đại dịch COVID-19, Trung Quốc mong muốn châu Âu không bị cuốn vào nỗ lực do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Chính quyền Bắc kinh đặt kỳ vọng vào sự thay đổi của châu Âu, ít nhất là đối với chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen.
"Chuyến thăm của Macron dự kiến sẽ tạo ra kết quả cụ thể trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Pháp, cũng như tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị", trích một bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc "Điều đáng chú ý là nhiều thế lực ở châu Âu và Mỹ đang rất chú ý đến chuyến thăm của Macron và gây ảnh hưởng theo các hướng khác nhau. Nói cách khác, không phải ai cũng muốn thấy chuyến thăm Trung Quốc của Macron diễn ra suôn sẻ và thành công".
Sau cuộc hội đàm với ông Macron, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự kiến sẽ tổ chức một bữa ăn trưa làm việc với von der Leyen. Cuối buổi chiều, Macron và von der Leyen sẽ hội đàm riêng với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi tổ chức hội đàm ba bên vào buổi tối.
Cả Macron và von der Leyen đều cho biết họ muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để mang lại hòa bình ở Ukraine, hoặc ít nhất là ngăn chặn chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ trực tiếp cho Moscow.
Một số nhà phân tích cho rằng bộ đôi này có thể đảm nhận vai trò "cớm tốt, cớm xấu". Trong đó ông Macron sẽ nhiệt tình thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-EU, còn bà von der Leyen nhấn mạnh các vấn đề gai góc hơn và các lằn ranh đỏ trong các mối quan hệ đó.
"Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng, nhưng các doanh nghiệp EU phải đối mặt với nhiều rào cản phân biệt đối xử", bà von der Leyen đã tweet vào sáng thứ Năm sau cuộc gặp với đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh. "Mối quan hệ EU-Trung Quốc rất rộng lớn và phức tạp. Cách chúng ta quản lý chúng sẽ tác động đến sự thịnh vượng và an ninh của EU. Tôi đến Bắc Kinh để thảo luận về mối quan hệ này và tương lai của nó".
Tháp tùng ông Macron trong chuyến đi Trung Quốc còn có một phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp châu Âu, bao gồm Airbus, "gã khổng lồ" xa xỉ phẩm LVMH và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF. Các công ty này dự kiến sẽ công bố các thỏa thuận với đối tác Trung Quốc.
Nhưng không phải tất cả người ở châu Âu cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy hoạt động thương mại.
"Ba phần tư phái đoàn là lãnh đạo doanh nghiệp: mục tiêu trước hết là ký kết hợp đồng", ông Raphael Glucksmann, thành viên cánh tả của nghị viện châu Âu, viết trên Twitter trước chuyến thăm của ông Macron. "Vào thời điểm cuộc tranh luận ở châu Âu tập trung vào sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc và sự can thiệp của Trung Quốc, thông điệp này là không phù hợp".