Cụ thể, tổ Công tác số 1 hỗ trợ tỉnh Đắk Nông do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh làm tổ trưởng.
Trong khi đó, tổ Công tác số 2 hỗ trợ tỉnh Gia Lai do lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế làm tổ trưởng; Tổ Công tác số 3 hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk do lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương làm tổ trưởng; Tổ Công tác số 4 hỗ trợ tỉnh Kon Tum do lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy làm tổ trưởng.
Các tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp với Sở Y tế các tỉnh xây dựng quy trình khám, sàng lọc, phân loại, tiếp nhận, điều trị, cách ly ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh bạch hầu dương tính tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Bên cạnh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các khoa điều trị ca bệnh bạch hầu, các tổ công tác phối hợp với các đoàn công tác khác của các đơn vị khác triển khai tập huấn, tập huấn lại phác đồ điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tỉnh.
Tổ công tác tham mưu, đề xuất giúp Sở Y tế các tỉnh bổ sung, điều chuyển nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư phục vụ công tác điều trị bệnh bạch hầu nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Đồng thời định kỳ hàng ngày (trước 17h00) hoặc đột xuất báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) về tình hình, diễn biến điều trị các ca bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.
Cho đến nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 68 ca bệnh bạch hầu, 3 trường hợp tử vong.
Các ca mắc tại đây đều không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%. Đây có thể là nguyên nhân lớn khiến dịch có thể bùng phát.
Phân tích mối nguy của dịch bạch hầu, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh bạch hầu gia tăng nhanh với số mắc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh đang có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp.
Theo GS.TS.Nguyễn Thanh Long, tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Cụ thể, diện mắc bệnh rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc trải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.
Để phòng chống dịch bạch hầu đang bùng phát, GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như chúng ta đã từng cố gắng để phòng chống dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên và nhấn mạnh đây là việc cấp bách.
Theo đó, với trẻ em từ 2- 4 tháng tuổi, tiêm rộng rãi vắc-xin phòng bệnh. Tiêm nhắc lại vắc-xin 3 trong 1 đối với trẻ từ 18- 24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi. Với người lớn, triển khai tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
GS. TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh.