Theo Hãng Thông tấn nhà nước Liban NNA, khoảng 10 người đã bị thương khi các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ của cựu Thủ tướng Saad al-Hariri và những người biểu tình chống chính phủ thuộc khối phong trào Hồi giáo Shi'ite Hezbolla và Amal (2 trong 4 khối đảng chống chính phủ thủ tướng Al-Hariri) nổ ra tại trung tâm thủ đô Beirut của Liban ngày 25/11.
Cảnh sát nước này đã buộc phải dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích.
Các cuộc đụng độ đánh dấu đêm bạo lực thứ hai liên tiếp liên quan đến khủng hoảng chính trị tại Liban và đe dọa tình hình sẽ diễn biến xấu hơn.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội Liban đồng thời cũng là thủ lĩnh phong trào Amal, ông Nabih Berri đã lên tiếng chỉ trích người biểu tình quá khích, đồng thời kêu gọi lực lượng quân đội và an ninh sớm kiểm soát tình hình khôi phục trật tự ổn định.
Trong một tuyên bố, cựu Thủ tướng Al-Hariri cũng kêu gọi những người ủng hộ mình kiềm chế, không tụ tập để tránh bị lôi kéo vào các hành động khiêu khích, có thể kích động bạo loạn đường phố.
Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Liban Yan Kubish cũng cảnh báo và hối thúc các bên tránh xung đột.
Theo Phòng Thương mại, công nghiệp và nông nghiệp Liban, cuộc khủng hoảng chính trị đã khiến kinh tế nước này rơi vào suy thoái khi hàng nghìn doanh nghiệp nước này có nguy cơ phải đóng cửa và phá sản.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Liban bắt nguồn chủ yếu từ sự suy giảm của dòng vốn, dẫn đến sự khan hiếm USD và tạo ra một thị trường chợ đen nơi đồng bảng Liban rơi tự do.
Biểu tình nổ ra từ ngày 17/10 phản đối việc chính quyền không cung cấp các dịch vụ cơ bản và không có năng lực thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế trì trệ.
Trước áp lực của người biểu tình, ngày 29/10, Thủ tướng al- Hariri đã tuyên bố từ chức, đẩy Liban chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị cũng như đối mặt với những căng thẳng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990./.