Cuốn sách gồm 20 phần, mỗi phần 5 chương, mỗi chương tương ứng với 1 hiện vật. Vì mỗi tuần có năm số phát sóng, nên sách được trình bày nhóm năm hiện vật lại thành một mục, xoay quanh những địa điểm khác nhau trên địa cầu vào cùng thời điểm và quan sát năm lát cắt của thế giới thông qua các hiện vật ở niên đại cụ thể đó, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của loài người bằng một góc nhìn mới lạ, đó là qua việc kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Anh.
Mỗi hiện vật được nêu ra trong cuốn sách đều đi kèm hình minh họa sống động. Phần phụ lục của cuốn sách cũng cung cấp thông tin về địa điểm tìm ra các hiện vật (có bản đồ đi kèm), kích thước hiện vật, và loạt 16 tranh in màu ở cuối sách về một số hiện vật nổi bật.
Neil MacGregor là sử gia nghệ thuật, nguyên giám đốc Bảo tàng Anh. Ông từng là biên tập viên của Burlington Magazine (1981-1987), Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia London (1987-2002), Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009) và giám đốc Diễn đàn Humboldt, Berlin (đến năm 2018).
Khác với nhiều cuốn sách lịch sử thường thức khác, “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” không tập trung vào các sự kiện “ồn ào” trong tiến trình phát triển của loài người, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ. Đồng thời, qua “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”, tác giả mang đến sức sống mới cho nhiều nền văn minh trên thế giới mà đến nay tàn tích của chúng còn lại không nhiều, chẳng hạn như nền văn minh Moche - một nền văn minh phát triển ở Peru từ năm 200 TCN đến năm 650 nhưng giờ đây không còn lại gì ngoài các di tích khảo cổ.
Ngoài ra, cuốn sách cũng mở rộng nội dung, hướng đến giai đoạn toàn cầu hóa với những hiện vật thể hiện sự phát triển thần tốc của xã hội loài người thời hiện đại như thẻ tín dụng hay đèn năng lượng mặt trời.
“Tận mục sở thị” những gì mà các nền văn minh kim cổ để lại, độc giả của cuốn sách sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người từ thuở sơ khai đến thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đây chỉ có thể là “một” lịch sử về thế giới, nhưng nó cố gắng tạo nên câu chuyện lịch sử mà cả thế giới đã tham gia trong chừng mực nào đó.
“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” sẽ mắt độc giả trong tháng 5/2024. |
Bìa sách “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” trình bày một số hiện vật tiêu biểu xuất hiện trong sách, đến từ nhiều nền văn minh cổ đại khác nhau: Đầu tượng Augustus, Mũ trụ Sutton Hoo, Mặt bích, Xác ướp Hornedjitef, Thước trắc tinh Hebrew, u tế lễ thời nhà Chu, Tượng nữ thần ngô Maya… như một bức tranh thể hiện sự phong phú và đa dạng của lịch sử con người trên khắp thế giới.
“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” phù hợp với mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử và khảo cổ học.
Một số đoạn trích từ “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”:
“Những hoạt động diễn giải và làm sáng tỏ giàu trí tưởng tượng như vậy là yếu tố cốt lõi trong bất kỳ câu chuyện lịch sử nào được kể thông qua đồ vật. Đó là các phương pháp tìm hiểu quen thuộc đối với những người sáng lập Bảo tàng Anh, những người coi việc khôi phục các nền văn hóa trong quá khứ là nền tảng căn bản cho hiểu biết về nhân loại nói chung.”
“Dẫu vậy, lịch sử thông qua hiện vật tự nó không bao giờ có thể đạt tới trạng thái minh định trọn vẹn được bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện để hiện vật tồn tại. Đấy là điều đặc biệt khắc nghiệt với các nền văn hóa mà đồ tạo tác được làm ra đa phần bằng vật liệu hữu cơ, và đặc biệt là những nơi điều kiện khí hậu sẽ khiến những đồ vật như thế trở nên mục ruỗng: đối với phần lớn các khu vực nhiệt đới trên thế giới, hầu như chẳng còn gì sót lại từ quá khứ xa xôi.”
“Tuy nhiên, đồ vật không cần phải tồn tại nguyên vẹn thì mới mang lại hàm lượng thông tin khổng lồ. Năm 1948, hàng chục mảnh đồ gốm vụn vặt đã được một người đi tuần trên biển phát hiện tại chân vách đá Kilwa ở Tanzania (chương 60). Chúng, hoàn toàn theo nghĩa đen, là rác: những mảnh đồ bếp núc vỡ vụn bị quẳng đi và chẳng còn có ích gì cho bất kỳ ai. Nhưng khi thu gom chúng lại ông bắt đầu nhận ra rằng bên trong những mảnh nồi niêu ấy phơi bày ra câu chuyện Đông Phi cả ngàn năm trước. Quả thật, việc khảo xét tính đa dạng của chúng hé lộ toàn bộ lịch sử Ấn Độ Dương, bởi ngay khi chúng ta quan sát tỉ mỉ, rõ ràng những mảnh vỡ này đến từ nhiều địa điểm khắp nơi trên thế giới. Mảnh vỡ men lục và men lam rõ ràng là những mảnh sứ sản xuất với số lượng khổng lồ từ Trung Quốc để phục vụ xuất khẩu. Những mảnh khác mang theo nét trang trí Hồi giáo và đến từ Ba Tư hoặc vùng Vịnh. Còn một số mảnh lại có xuất xứ từ đồ đất nung do người bản địa Đông Phi làm ra.”
“Một nhiệm vụ then chốt dành cho công việc nghiên cứu tại bảo tàng, và trên hết là khoa học bảo tồn tại bảo tàng, là phải duy trì việc xem xét lại hiện vật, vì công nghệ mới ra đời cho phép chúng ta đặt ra những câu hỏi mới về chúng. Những kết quả đem lại, nhất là trong những năm gần đây, thường xuyên gây kinh ngạc, khai mở những hướng nghiên cứu mới mẻ và khám phá ra những tầng nghĩa không ngờ tới về những hiện vật chúng ta nghĩ rằng đã quen thuộc. Vào thời khắc đó, hiện vật biến chuyển rất nhanh.”
“Sự tồn tại của loài người khởi nguồn ở châu Phi. Tại đó tổ tiên của chúng ta đã tạo ra những công cụ bằng đá đầu tiên để chặt thịt, bổ xương và xẻ gỗ. Chính mối lệ thuộc ngày càng tăng vào những vật dụng mà con người tự tạo nên đã khiến chúng ta trở nên khác biệt với tất cả các loài động vật còn lại. Năng lực chế tác đồ vật cho phép loài người thích ứng với vô số môi trường và từ châu Phi tỏa ra Trung Đông, châu Âu và châu Á.”