Ông Dujarric đưa ra thông tin trên khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này ban đầu muốn hợp tác với Saudi Arabia, nhưng Ankara đã quyết định rằng cần phải có một cuộc điều tra quốc tế.
Trước đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra quốc tế nhằm làm sáng tỏ vụ sát hại nhà báo trên. Ngoại trưởng Jubeir cho rằng chính quyền Riyadh có cơ quan điều tra riêng, đồng thời nhấn mạnh đây là một "vụ việc pháp lý", do đó thuộc thẩm quyền của tòa án Saudi Arabia.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ tiếp tục thu thập chứng cứ liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi và làm việc với giới chức các nước để buộc những kẻ liên quan đến vụ sát hại phải chịu trách nhiệm. Bộ này cũng hoan nghênh bản cáo trạng mà Riyadh mới công bố về vụ việc trên, gọi đây là "khởi đầu tốt đẹp" và là bước đi đúng hướng. Bộ Tài chính Mỹ trước đó thông báo các lệnh trừng phạt đối với 17 công dân Saudi Arabia do dính líu tới vụ sát hại nhà báo Khashoghi. Trong số những người bị trừng phạt có Saud al-Qahtani, một cựu phụ tá cấp cao của Thái tử Mohammed bin Salman, và Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul Mohammed Alotaibi.
Cũng trong ngày 15/11, một nhóm các thượng nghị sĩ Mỹ đã đề xuất một dự luật trừng phạt Saudi Arabia vì vụ việc trên cũng như vai trò của vương quốc Hồi giáo này trong cuộc nội chiến Yemen. Nếu dự luật này được thông qua, Mỹ sẽ ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia, cấm hoàn toàn hoạt động tiếp nhiên liệu cho các máy bay của Saudi Arabia tham gia liên minh Arab tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi tại Yemen.
Thông báo được đưa ra sau khi Cơ quan Công tố Saudi Arabia tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra chi tiết về vụ sát hại ông Khashoggi. Cơ quan này cho biết nhà báo Khashoggi bị một nhóm điệp viên Saudi Arabia tiêm một loại thuốc, khiến ông bị “sốc thuốc” và tử vong. Theo cơ quan trên, âm mưu sát hại ông Khashoggi bắt đầu từ ngày 29/9. Khi đó, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Saudi Arabia (GIP) đã ra lệnh các nhân viên tình báo thuyết phục ông Khashoggi về nước. Nếu quá trình thuyết phục thất bại, họ có thể sử dụng vũ lực. Các công tố viên Saudi Arabia cho biết đang đề nghị mức án tử hình đối với 5 quan chức bị nghi dính líu tới vụ sát hại trên.