Mỹ và phương Tây đã áp trừng phạt dầu mỏ, khí đốt nhằm vào Nga. Nhưng Azerbaijan lại đang trên lộ trình tăng lượng khí đốt xuất khẩu trong năm 2022 và những năm tiếp theo, thông qua tuyến đường ống Hành lang khí đốt phương nam (SGC).
Đây là tuyến đường ống dài 3.500km, chạy qua 7 nước, cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Hiện tại, Azerbaijan cung ứng khoảng 10 tỉ m3 khí đốt cho châu Âu và 6 tỉ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua SGC.
Để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các nước, Azerbaijan sẽ đưa vào khai thác hai mỏ khí đốt mới, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư để mở rộng công suất của SCG, thông qua việc lắp đặt thêm các trạm nén khí giúp tăng gấp đôi lượng khí vận chuyển qua tuyến đường ống. Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này, điểm nghẽn nằm ở “đầu tư dưới chuẩn” của châu Âu về hạ tầng, cản trở khả năng cung ứng khí đốt của Azerbaijan.
Tuyến đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Supsa do Azerbaijan đầu tư chạy qua Biển Đen tạm thời ngừng hoạt động cho tới cuối tháng 6 này. Lượng dầu thô được chuyển sang tuyến đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan nằm ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ Địa Trung Hải. Việc “nắn dòng” này giúp tăng vị thế của Ankara, khi Thổ Nhĩ kỳ là điểm trung gian của SGC, với tuyến đướng ống khí đốt Trans-Anatolian (TANAP) là hợp phần lớn nhất của hàng lang.
Hai hợp phần còn lại của SGC là đường ống dẫn khí Nam Caucasus (SCP), đường ống dẫn khí đốt xuyên Adriatic (TAP). Mạng lưới này giúp đảm bảo cung cấp khí đốt từ mỏ Shah Deniz ở Biển Caspi của Azerbaijan cho khu vực phía nam châu Âu gồm các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania, Bulgaria và nhiều nước Đông Âu
Phát biểu trước báo giới bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Parviz Shahbazov cho biết với trữ lượng 2,6 tỉ m3 khí đốt, Azerbaijan có đủ năng lượng để xuất sang các nước láng giếng và châu Âu. Ông khẳng định việc mở rộng SGC sẽ sớm được triển khai, khi Azerbaijan đã khởi động các cuộc đối thoại với các nước châu Âu, khu vực tây Balkan và vùng Đông Âu.
SGC là một trong số rất ít các dự án năng lượng lớn nhất được nguồn tín dụng của gần như toàn bộ các thiết chế tài chính lớn toàn cầu, từ Ngân hàng Thế giới (WB) Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EBI), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). Điều này chứng tỏ SCG là một dự án có độ tin cậy cao, cùng với đó là uy tín nổi bật của Azerbaijan, nước đóng góp hơn 10 tỉ USD trên tổng số 30 tỉ USD vốn đầu tư của dự án.
Là một lựa chọn thay thế mới, nhưng SGC không phải là “kẻ cạnh tranh” với các tuyến đường ống khí đốt hiện hữu ở châu Âu. Trái lại, hàng lang này kết nối châu Âu với nguồn khí đốt mới của Azerbaijan ở biển Caspi và nhìn về tương lai là các nước trong khu vực này. Kế đến, SGC tạo ra một hệ thống vận chuyển khí đốt thay thế, có thể mở rộng thêm nhiều tuyến, nhánh trong dài hạn.
Baku giờ đây có thể vào cuộc và đề nghị cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu của châu Âu theo thỏa thuận mua bán có thời hạn hiệu lực kéo dài nhiều thập kỉ nhằm có được nguồn lực tài chính giúp mở rộng, nâng cấp SGC. Azerbaijan không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giềng như Nga, Iran. Baku cũng sẽ không là bàn đạp để NATO dựa vào đó có các bước đi chống Nga. Azerbaijan viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng cũng không công khai lên tiếng chỉ trích Nga.
Azerbaijan có thể là nguồn cung ứng năng lượng đáng tin cậy cũng như điểm trung chuyển kết nối giao thông cho châu Âu. Nhưng Baku cũng phải tính đến quan hệ láng giềng và vì thế sẽ không gia nhập mặt trận chống Nga cùng phương Tây, nhất là khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra không mặn mà vào cuộc giúp xử lý xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.