Khojaly, nằm ở vùng Karabakh của Azerbaijan, là nơi sinh sống của hơn 7.000 người: đàn ông, phụ nữ, trẻ em và các gia đình. Từ tháng 10/1991, Khojaly bị bao vây bởi các lực lượng vũ trang Armenia. Theo tài liệu của nhà báo Mỹ Thomas Goltz, khu vực này bị cô lập, và cách tiếp cận an toàn duy nhất là dùng trực thăng, với sự cho phép của lực lượng kiểm soát. Điện, nước và các nhu yếu phẩm viện trợ đều bị ngăn chặn đưa đến tay người dân Khojaly.
Đêm 25/2/1992, sau trận pháo kích lớn vào Khojaly, các lực lượng vũ trang của Armenia đã tiến công và cưỡng chiếm quyền kiểm soát Khojaly. Quân đội Armenia áp đảo hoàn toàn, quân Azerbaijan và dân chúng buộc phải di tản về thành phố Agdam ở phía Bắc. Tuy nhiên, phía Azerbaijan cho biết, lực lượng vũ trang Armenia đã truy kích, xả súng vào đoàn người chạy nạn, bao gồm cả quân đội, dân quân lẫn dân thường.
Theo thông tin cung cấp từ Bộ Ngoại giao Cộng Hòa Azerbaijan, 5.379 cư dân của Khojaly đã bị trục xuất một cách cưỡng bức. 613 người, bao gồm 63 trẻ em, 106 phụ nữ và 70 người già đã bị sát hại. 1.275 người bị bắt giữ làm con tin và bị tra tấn, 487 người bị thương. 150 người (bao gồm 68 phụ nữ, 26 trẻ em) bị bắt và số phận của họ vẫn là ẩn số cho đến ngày nay. Có 8 gia đình không còn ai sống sót. 130 em mất cha hoặc mẹ, 25 em mất cả cha lẫn mẹ.
Đại diện Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, vụ thảm sát Khojaly là tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng, “là những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, vi phạm Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và các hình thức khác”.
Mặt khác, trước cáo buộc thảm sát dân thường, phía Armenia lên tiếng phủ nhận, giải thích hành động xả súng là để ngăn chặn các lực lượng pháo binh ở Khojaly, và những dân thường bị tử nạn là do kẹt giữa hai làn đạn.
Hành trình dài đằng đẵng 30 năm đi tìm công lý cho những nạn nhân của Azerbaijan. |
Theo luật pháp quốc tế, các Quốc gia có trách nhiệm điều tra các hành vi tàn bạo tại Khojaly và truy tố thủ phạm. Tuy nhiên, đã hơn 30 năm kể từ cuộc thảm sát Khojaly, không ai trong số những kẻ phải chịu trách nhiệm cho những tội ác đã xảy ra tại Khojaly bị Armenia truy tố.
Cộng hòa Azerbaijan tin rằng các biện pháp liên tục được thực hiện ở cấp quốc gia, cũng như trong khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành, sẽ giúp chấm dứt tình trạng miễn trừng phạt và đưa ra công lý những kẻ phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh nghiêm trọng gây ra trong quá khứ.
Đại sứ quán Azerbajan tại Việt Nam từng tổ chức hội thảo về cuộc thảm sát Khojaly và gửi đi thông điệp: "Azerbaijan tìm kiếm công lý, chứ không phải sự trả thù". |