FDA cho biết chương trình tiêm tăng cường sẽ bảo vệ những người dễ tổn thương nhất, chẳng hạn người lớn tuổi và bị suy giảm miễn dịch. Biến chủng phụ của Omicron là BA.2 đang lây nhiễm mạnh, chiếm tới 70% ca nhiễm ở Mỹ. Vì vậy, tiêm nhắc lại lần hai sẽ củng cố mức miễn dịch mà nhiều người bị suy giảm trong vài tháng.
Dù vậy, các nhà khoa học chia thành nhiều luồng ý kiến về liều vaccine COVID-19 thứ 4. Một số chuyên gia nói rằng trọng tâm của chương trình tiêm chủng là ngăn ngừa các ca bệnh nghiêm trọng, không phải ngăn ngừa nhiễm virus.
Hiệu quả của vaccine sẽ suy yếu với tất cả nhóm tuổi sau vài tháng. Các chuyên gia dịch tễ cho biết hai hoặc ba liều là đủ để bảo vệ hầu hết người dân khỏi chuyển nặng hoặc tử vong, ngay cả khi tác dụng của chúng đã giảm.
William Schaffner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định: "Chúng ta không nên quá vội vàng lúc này. Về cơ bản, các dữ liệu ở Mỹ chỉ ra rằng liều thứ ba vẫn hiệu quả và đang bảo vệ người dùng rất tốt trước các triệu chứng nặng. Hiện còn một bộ phận dân số đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm liều ba. Đây là nhóm chúng ta nên tập trung nhiều hơn".
FDA cho phép tất cả người trên 50 tuổi tiêm liều vaccine thứ 4. Tuy nhiên theo các chuyên gia, liều 4 chỉ thực sự hiệu quả đối với người trên 65 tuổi, hoặc người có bệnh lý tiềm ẩn, dễ chuyển nặng. Nó không tác dụng quá nhiều đối với nhóm trẻ hơn.
FDA đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên nghiên cứu từ Israel, cho thấy nguy cơ tử vong của người trên 60 tuổi đã tiêm liều thứ 4 thấp hơn người chỉ tiêm liều ba 78%. Một số chuyên gia nhận thấy nghiên cứu này còn nhiều thiếu sót. Tất cả tình nguyện viên tiêm liều 4 dường như rất cẩn thận với tình trạng sức khỏe của mình từ trước, theo Paul Offit, giám đốc Trung tâm Giáo dục Vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia.
"Người lựa chọn tiêm liều 4 vốn đã quan tâm đến sức khỏe, thích tập thể dục hơn, ít hút thuốc và thường xuyên đeo khẩu trang", tiến sĩ Offit nói. Những yếu tố này khiến liều thứ 4 "trông có vẻ hiệu quả hơn" so với thực tế.
Liều thứ 4 tiêm sau liều ba 4 tháng, khôi phục kháng thể về mức ban đầu, song hiệu quả của chúng không kéo dài.
"Miễn dịch tồn tại trong thời gian ngắn. Vì thế, thời điểm tiêm sẽ là chìa khóa quan trọng nhất. Nếu nó không tạo ra phản ứng lâu dài hoặc chất lượng tốt hơn, bạn nên đặt câu hỏi về độ cần thiết của liều này", Marion Pepper, một nhà miễn dịch học tại Đại học Washington, cho biết.
Các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu miễn dịch sau tiêm vaccine tăng cường duy trì trong bao lâu. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kháng thể ban đầu hiệu quả ít nhất 6 tháng, khả năng chống triệu chứng nghiêm trọng kéo dài lâu hơn. Sự khác biệt là do lượng kháng thể trung hòa giảm mạnh vài tháng sau tiêm chủng.
Kháng thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm virus. Tuy nhiên thời gian sau đó, vaccine vẫn tiếp tục bảo vệ lâu dài, chống triệu chứng nặng ngay cả khi kháng thể đã suy yếu.
Nghiên cứu khác từ Israel cho thấy liều thứ 4 làm tăng mức kháng thể, nâng cao hiệu quả bảo vệ người cao tuổi khỏi tình trạng tử vong trong thời kỳ cao điểm của làn sóng Omicron.
Các nhà khoa học chỉ ra một số nhược điểm khi tiêm liều thứ 4. Họ nhận định vaccine vẫn an toàn, việc tiêm thêm một liều vaccine không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng sẽ gây ra các tác dụng phụ như sốt, nhức đầu, mệt mỏi và đau nhức khớp. "Khi bạn đã cao tuổi, đây không phải vấn đề bình thường", tiến sĩ Offit nói.
Tiêm nhắc lại quá nhiều cũng khiến hiệu quả vaccine giảm dần. Tiến sĩ Pepper và các đồng nghiệp chỉ ra rằng lần thứ 4 tiếp xúc virus (dù là từ nhiễm bệnh tự nhiên hay vaccine) không làm cho khả năng miễn dịch mạnh hơn lần thứ ba.
Một số ý kiến cho rằng tiêm nhắc lại liên tục bằng vaccine phát triển từ phiên bản virus gốc sẽ khiến cơ thể phản ứng kém hơn với các biến chủng trong tương lai. Bằng chứng cho thấy tăng khoảng cách giữa các liều vaccine, đặt chu kỳ tiêm khoảng một năm một lần có thể tạo phản ứng miễn dịch lâu dài hơn.