Ngày 10/5, Cơ quan công an điều tra (Bộ Công an) đã bắt tạm giam, khởi tố ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý, vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra đã bắt, khởi tố ông Phạm Xuân Quang – Kế toán trưởng BSR và trước đó là ông Vũ Mạnh Tùng – Phó tổng giám đốc BSR. Ông Giang và đồng phạm bị cáo buộc đã nhận 19 tỷ đồng tiền lãi ngoài của OceanBank với khách hàng cần "chăm sóc đặc biệt".
Ông Nguyễn Hoài Giang sinh năm 1968 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa điện tử - tự động hóa của Đại học Bách khoa Sofia (Bulgaria), năm 1994 ông về nước và làm việc tại Vietsovpetro Vũng Tàu. Ông làm việc ở đây trong 5 năm, đến 1999 thì rời đơn vị này để trở thành một trong những người đầu tiên gắn bó với Lọc dầu Dung Quất khi dự án còn trên giấy.
Ông Nguyễn Hoài Giang - cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. |
Từ năm 2002-2003, ông Giang làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Giám đốc chạy thử nhà máy kiêm Phó tổng giám đốc kỹ thuật BSR (5/2008). Sau đó một năm ông nhận chức Tổng giám đốc BSR, rồi sau đó làm Chủ tịch HĐTV đơn vị này.
Tới trước thời điểm bị bắt do liên quan tới vụ án mở rộng điều tra việc nhận lãi ngoài của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ông Giang có gần 15 năm gắn bó với BSR, là một trong số những người đầu tiên đặt nền móng, xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Khi được thành lập và đi vào vận hành thương mại năm 2005, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đôla Mỹ đã nhận được loạt ưu đãi về thuế trong thời gian dài, như doanh nghiệp được giữ lại 3-7% tiền thuế nhập khẩu với tùy loại sản phẩm, được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm (miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo), miễn thuế thu nhập cá nhân,thuế thuê đất...
Được hưởng nhiều ưu đãi nhưng dưới thời điều hành của cựu Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang, kết quả sản xuất, kinh doanh của Dung Quất không phải lúc nào cũng thuận lợi, thậm chí khó khăn kéo dài trong suốt giai đoạn đầu nhà máy vận hành thương mại.
Trong một báo cáo của PVN gửi cấp có thẩm quyền năm 2015, tập đoàn này cho biết, lũy kế 4 năm vận hành thương mại, Lọc dầu Dung Quất lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD) đến hết năm 2014. Song nhờ khoản ưu đãi thuế nhập khẩu được giữ lại (3-7% tùy sản phẩm) nên gánh nặng lỗ của Dung Quất giảm dần trước khi hạch toán lãi trở lại, các sản phẩm của nhà máy vẫn có sức cạnh tranh tương đối với sản phẩm nhập ngoại. Sau 4 năm vận hành dù có ưu đãi Dung Quất lỗ gần 1.050 tỷ đồng.
Những khó khăn của Dung Quất giai đoạn này được nhận định do quá trình hội nhập, cùng với giá dầu lao dốc, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ, đã vô hiệu hóa loạt ưu đãi tưởng chừng đem lại khoản lời cho doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, lại vấp phải thuế nhập khẩu một số mặt hàng (dầu diesel, nhiên liệu bay Jet A1) về 0% từ đầu năm 2016 theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), không dưới hai lần doanh nghiệp này có đơn cầu cứu cấp có thẩm quyền xin giảm thuế, bỏ thu điều tiết "nếu không Lọc dầu Dung Quất có thể sẽ phải đóng cửa".
Giải thích việc "dọa" đóng cửa nhà máy lọc dầu tỷ đôla, thời điểm đó ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng, kiến nghị của công ty là chính đáng bởi không xin ưu đãi hơn mà đòi hỏi được bình đẳng với hàng nhập khẩu nước ngoài khi chỉ chịu thuế suất 0%, còn hàng trong nước lại áp thuế 10%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Dung Quất được “nuông chiều” khi nhận được quá nhiều ưu đãi từ Chính phủ kể từ khi triển khai dự án. Vì thế, khi có khó khăn thay vì rà soát, cơ cấu lại quản trị để tiết giảm chi phí, giảm giá thành nhằm cạnh tranh thì Dung Quất lại gửi đơn “cầu cứu” xin thêm ưu đãi. Do đó, việc việc sản phẩm của Dung Quất tồn kho lớn giai đoạn này và có nguy cơ đóng cửa như ban lãnh đạo đề cập không hẳn ở vấn đề chính sách thuế.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành, quản lý bởi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn. |
Tình hình kinh doanh của Dung Quất chỉ thực sự khởi sắc sau quyết định của Thủ tướng cho phép đơn vị được tự chủ về tài chính từ 1/1/2017 và bỏ thu điều tiết với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu của BSR. Đổi lại, doanh nghiệp không còn được giữ lại 3-7% thuế nhập khẩu như trước. Thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 của BSR cũng giảm về 0%.
Một năm được tự quyết định giá bán, Dung Quất báo lãi 7.712 tỷ, doanh thu gần 81.000 tỷ đồng. Năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 78.365 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 3.706 tỷ đồng. Đầu năm 2018, BSR cũng tiến hành IPO thành công với 242 triệu cổ phần chào bán, thu về cho ngân sách hơn 5.500 tỷ.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 50,4 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu 881.120 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD).
Dù thế, nỗi lo tại Dung Quất không phải không còn. Bản cáo bạch gửi tới các nhà đầu tư trước thềm IPO cuối năm 2017 cũng lộ nhiều con số đáng lo ngại. Tới tháng 9/2017 BSR còn khoản gửi hơn 2.700 tỷ đóng băng tại OceanBank. Ông Nguyễn Hoài Giang – cựu Chủ tịch BSR cho rằng, doanh nghiệp đã nhận được "lời đảm bảo" từ Ngân hàng Nhà nước về khoản tiền gửi này, cũng như vẫn nhận được tiền đều đặn từ phía OceanBank. Tuy nhiên thời điểm khoản gửi này được “mở khóa” vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Không chỉ mắc kẹt khoản gửi lớn tại OceanBank, trên 740 tỷ đồng doanh nghiệp này rót đầu tư tại Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung cũng gần như khó thu hồi do nhà máy liên tục thua lỗ và đang tạm dừng hoạt động. Bản cáo bạch cũng cho biết, doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 471 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung. Dự kiến ban đầu nhà máy này vận hành trở lại trong quý I/2018 nhưng đến nay kế hoạch lại dời sang quý II.
Trở lại với các quyết định tống đạt của cơ quan điều tra với một số cựu lãnh đạo cấp cao của BSR, chia sẻ với VnExpress, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR khẳng định, nhà máy lọc dầu vẫn vận hành bình thường, chạy máy đạt 100% công suất. "Những người bị bắt là do có liên quan tới sai phạm cá nhân trong giai đoạn trước đây. BSR sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ việc", ông Nguyên nói.
Trên thị trường Upcom, cổ phiếu BSR liên tục giảm trong những phiên gần đây. Mỗi cổ phiếu BSR giao dịch sáng 11/5 mức 19.700 đồng, giảm 2.700 đồng so với phiên “đỉnh” đầu tháng 3.
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên tổng giám đốc Oceanbank khai đã chi 19 tỷ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Sau lời khai của Thu, 4 lãnh đạo của BSR bị tòa triệu tập, đối chất, gồm: ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV; ông Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc; ông Vũ Mạnh Tùng- Phó tổng giám đốc và ông Phạm Xuân Quang - kế toán trưởng.
Cựu Chủ tịch BSR Nguyễn Hoài Giang nhiều lần phủ nhận chuyện nhận khoản tiền chăm sóc đặc biệt của OceanBank và cho hay chỉ gặp Thu vài lần tại hội nghị, dịp thành lập công ty. Theo ông Giang, PVN có nhiều văn bản yêu cầu gửi tiền và giao dịch tại Oceanbank, nên không có lý do gì để nhận lãi ngoài.
Đến nay, ngoại trừ ông Đinh Văn Ngọc thì 3 người bị tòa triệu tập hôm đó đã bị khởi tố và bắt giam là các ông Nguyễn Hoài Giang, Vũ Mạnh Tùng và Phạm Xuân Quang về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”