Trong bản dự thảo, Luật tiếp cận thông tin nêu rõ những thông tin mà công dân được tiếp cận cũng như những thông tin công dân không được tiếp cận.
Những thông tin công dân có quyền tiếp cận bao gồm tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này như: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;…
Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng; Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
88,46% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật tiếp cận thông tin (Ảnh: ANTĐ)
Những thông tin công dân không được tiếp cận gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật nhà nước; Những thông tin chưa được giải mật; Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác…
Luật tiếp cận thông tin nhận được sự ủng hộ của đa số các đại biểu Quốc hội, có 437 đại biểu đồng ý (chiếm 88,46%%), 8 đại biểu không đồng ý và 3 đại biểu không biểu quyết.
Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 1/7/2018.
Hải Dương