Đầu năm 2021, chính quyền thành phố Seoul đã làm dấy lên tranh luận về vấn đề sinh đẻ sau khi ban hành các lời tư vấn dành cho phụ nữ, bao gồm các mẹo về cách đáp ứng mọi nhu cầu của chồng khi đang mang thai.
Các hướng dẫn do trung tâm thông tin mang thai và sinh đẻ của thành phố ban hành dù bị gỡ xuống trước làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng, nhưng sự việc này cho thấy một cái nhìn sâu sắc về thái độ đối với vai trò giới ở Hàn Quốc, một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới.
Cụ thể, chính quyền Seoul khuyên phụ nữ nên kiểm tra cân nặng của mình bằng cách nhìn vào quần áo họ mặc trước khi có thai. Khi đến ngày dự sinh, các thai phụ nên đảm bảo rằng chồng mình vẫn được ăn uống và chăm sóc tử tế sau khi vợ sinh.
Ngoài ra, các sản phụ khi đem con trở về nhà với gia đình cũng nên buộc tóc cao để tránh vẻ ngoài u sầu, mệt mỏi.
Nhưng áp lực phải tuân thủ các quan niệm giới tính truyền thống chỉ là một trong nhiều lý do khiến phụ nữ Hàn Quốc ngày càng xa lánh hôn nhân và đời sống gia đình, làm tăng thêm nỗi lo về dân số và sức khỏe kinh tế lâu dài của đất nước.
Năm 2020, lần đầu tiên số ca tử vong tại Hàn Quốc vượt qua số ca sinh nơi, với chỉ 275.815 ca sinh được ghi nhận và 307.764 ca tử vong.
Theo dữ liệu được công bố cuối năm ngoái, gần 1/5 các cặp vợ chồng sau khi kết hôn vào năm 2015 vẫn chưa có con. Cụ thể, khoảng 18% trong số 216.008 cặp vợ chồng kết hôn năm đó chưa có con, so với chỉ dưới 13% vào năm 2012.
Chính phủ Hàn Quốc đã không thành công trong việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, bất chấp các biện pháp bao gồm khoản chi trả một lần lên tới 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và 6 triệu won cho các cặp vợ chồng nếu họ nghỉ làm 3 tháng sau sinh.
Giáo sư Kim Seong-kon tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Ngày nay, nhiều phụ nữ Hàn Quốc có việc làm nên họ không muốn có con vì việc phải cân bằng cả hai là rất khó".
“Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai phải đối mặt với những bất lợi nghiêm trọng khi làm việc tại Hàn Quốc. Để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, ngày càng có nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em không đáng tin cậy và những cơ sở tốt rất khó để xin vào”, giáo sư Kim viết trên Korea Herald.
Choi Mi-yeon, một phụ nữ 32 tuổi đến từ Seoul, buộc phải suy nghĩ lại về kế hoạch kết hợp sự nghiệp với cuộc sống gia đình ngay khi bắt đầu tìm việc.
Sau khi du học ở châu Âu, Choi đã bị choáng váng trước những câu hỏi mà cô được các nhà tuyển dụng đặt ra: “Tôi đã phỏng vấn tại một số công ty tầm trung của Hàn Quốc và được hỏi liệu tôi có dự định kết hôn hay không. Một người thậm chí còn nói với tôi rằng sẽ rất khó cho họ nếu tôi kết hôn vì họ sẽ phải cho tôi nghỉ thai sản có lương".
“Bây giờ tôi không chắc về việc có con, vì có khả năng chồng tương lai của tôi sẽ giao tất cả việc nuôi con và việc nhà cho tôi. Tôi biết đàn ông Hàn Quốc đang thay đổi, nhưng nếu tôi gặp phải một người sống truyền thống thì sao?", Choi đặt câu hỏi.
Yoo Nara, 37 tuổi tới từ Seoul, cho biết những ưu đãi của chính phủ dành cho các cặp vợ chồng trẻ đã bỏ qua những trở ngại tài chính lớn hơn nhiều đối với việc lập gia đình, chẳng hạn như chi phí nhà ở và giáo dục cao.
“Thật tuyệt nếu có con và bắt đầu một gia đình, nhưng sau rất nhiều lần tìm kiếm, tôi đã phải bỏ cuộc” Yoo nói. “Điều đó có nghĩa là tôi phải hy sinh và chịu đựng quá nhiều. Thật tiếc, vì tôi yêu trẻ con, nhưng chúng là những thứ xa xỉ mà tôi không thể có được. Dẫu sao tôi vẫn có các cháu của mình".
Đặt gánh nặng tài chính sang một bên, Yoo cho biết cô lo sợ hôn nhân sẽ khiến mình trở thành giống như mẹ trước đây.
“Tôi nhớ đã chứng kiến cảnh bà ấy làm việc không ngừng nghỉ trong nhà. Cứ mỗi khi họ hàng tới thăm, mẹ tôi lại phải tất bật nấu nướng dọn dẹp trong khi bố và họ hàng chỉ ngồi ăn", Yoo hồi tưởng.
Theo Yoo, việc chính quyền Seoul ban hành các khuyến nghị dành cho phụ nữ "không có gì mới mẻ".
“Nhiều đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc vẫn tư duy như vậy. Đặc biệt là thế hệ lớn tuổi và những người trẻ tuổi, những người cho rằng những gì bố mẹ họ nói là điều đúng đắn nên làm, dù nghe có vẻ vô lý đến đâu”, Yoo cho biết.