Việc bồi thường oan sai trong vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, việc công khai kết luận kiểm tra đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật... là những vấn đề "nóng" trong buổi họp báo của Bộ Tư pháp về kết quả công tác chủ yếu quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV năm 2016 được tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Còn những hạn chế, bất cập trong quy định về bồi thường oan sai
Về công tác bồi thường nhà nước, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, người mới nhận nhiệm vụ phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 105 vụ việc.
Tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là trên 53,5 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2015.
Vụ việc bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén được báo chí quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan trong buổi họp báo.
Trả lời về nội dung này, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thương lượng 4 lần về giải pháp và mức bồi thường oan sai với gia đình ông Huỳnh Văn Nén.
Tại lần thứ 3, tòa đồng ý bồi thường hơn 10 tỷ đồng, nhưng tới lần thứ 4 hạ xuống còn 2,6 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, với trách nhiệm là cơ quan giúp việc Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã đôn đốc, chỉ đạo Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật trong vụ việc ông Huỳnh Văn Nén.
Đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất thương lượng về việc bồi thường oan sai với mức 2,6 tỷ đồng.
Lý giải về mức bồi thường này, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước nhận định rằng, ông Nén làm nông nghiệp, ở khu vực nông thôn nên những tổn thất tinh thần, thu nhập thực tế trong thời gian trước khi ông Nén được minh oan rất thấp, bởi mức bồi thường được tính theo mức độ lao động, thu nhập ở địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước thừa nhận rằng, hiện nay còn tồn tại những bất cập trong quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do oan sai.
Như cách tính thu nhập trong thời gian chịu án oan sai, những chi phí cho việc thăm nuôi, tố tụng, kêu oan... còn chưa có quy định.
Do đó, trong dự thảo luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước mà Bộ Tư pháp dự kiến xây dựng trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung toàn diện theo hướng quy định cụ thể, chi tiết, bám sát thực tiễn hơn, đảm bảo bồi thường thỏa đáng cho người bị oan sai.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, hoàn thiện trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến đối với dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Dự thảo Luật sửa đổi quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng làm rõ hơn cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường, Dự thảo quy định theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường, khắc phục tình trạng việc giải quyết bồi thường kéo dài, chậm cấp phát kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường.
Phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền
Trong quý III, Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 văn bản quy phạm pháp luật và 28 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời, góp ý 277 văn bản.
Bộ cũng đã kiểm tra 715 văn bản, kết quả bước đầu phát hiện 30 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Trên cơ sở kết luận kiểm tra đối với 30 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật nói trên của Bộ Tư pháp, đến nay, có 7 văn bản đã được các Bộ, ngành và địa phương xử lý; 7 văn bản đã có hướng xử lý, 16 văn bản đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Về việc công khai những văn bản vi phạm pháp luật đã được phát hiện, bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay Bộ Tư pháp đang xem xét theo quy định của pháp luật và trong thời gian tới việc công khai sẽ theo quy trình trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Lý giải về mức bồi thường oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén
(Ngày Nay) - Việc bồi thường oan sai trong vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, việc công khai kết luận kiểm tra đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật... là những vấn đề "nóng" trong buổi họp báo của Bộ Tư pháp về kết quả công tác chủ yếu quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV năm 2016 được tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội.
Theo Vietnamplus