Điều thú vị là, buổi triển lãm này cũng chính là một buổi rước dâu thật sự, một màn kết đôi giữa hai con người có tiếng trong cộng đồng những người yêu văn hóa Việt truyền thống, đặc biệt là Việt cổ phục và sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Đức Huy, chủ nhân của thương hiệu “Đông Phong” và Vũ Thị Hiền, người sáng lập xưởng handmade “Hoa Lá Cỏ”.
“Đông Phong” được biết đến rộng rãi là một thương hiệu may đo cổ phục Việt, sử dụng các loại vải Việt từ các làng nghề Việt, cùng với việc nghiên cứu, thực hiện nhiều phương pháp nhuộm thủ công, hay phỏng dựng các loại trang phục, phục sức Việt. Còn “Hoa Lá Cỏ” là thương hiệu sản xuất sổ tay thủ công từ những nguyên liệu tự nhiên và bản địa của Việt Nam. Từ các loại giấy thủ công, màu tự nhiên từ đất kết hợp cao chàm và hoa lá ép khô, “Hoa Lá Cỏ” diễn tả nét đẹp của núi rừng thiên nhiên lên những cuốn sổ với một tinh thần: “Lấy đất vẽ đất / lấy lá vẽ cây / lấy tự nhiên vẽ tự nhiên”.
Triển lãm khai mạc bằng một màn diễu hành rước dâu dọc trên con phố Châu Long cùng sự tham gia của các “vị quan khách” là bạn của cô dâu chú rể, tất cả đều mặc Việt phục thời Nguyễn. Cặp đôi đã mặc những chiếc áo ngũ thân tay thụng được may từ tơ thủ công, nhuộm từ củ nâu và tô mộc. Chú rể đội nón ngựa, cô dâu đội nón dâu, một chiếc nón được phỏng dựng từ kiểu nón của các cô dâu thời Nguyễn. Các vị quan khách mặc các bộ ngũ thân rực rỡ, có người đội cả nón quai thao.
Một lễ cưới thì không thể thiếu sính lễ, sính lễ của đám rước “Tay trong tay” không phải vàng bạc, cũng không phải cau trầu, mà là những thước vải gai dầu nhuộm tự nhiên, giấy thủ công từ các làng nghề, và cả Đất. Cô dâu đã thách cưới là Đất từ các tỉnh thành nhưng chú rể chưa gom đủ, nên họ sẽ thề nguyện dùng cả đời để thực hiện lời hứa này. Những tấm vải, tờ giấy và Đất đều là những nguyên liệu mà cô dâu sử dụng trong công việc sáng tạo ở xưởng “Hoa Lá Cỏ” của mình.
Phần đồ ăn thức uống trong buổi Khai mạc cũng được đặc biệt chăm chút cẩn thận. Một người bạn của cô dâu chú rể, vốn là một người làm trà thủ công, đã dụng tâm chuẩn bị riêng những chén trà thơm đặc biệt cho sự kiện này. Rượu cũng được chưng cất thủ công. Còn đồ ăn được những người bạn dân tộc Thái chuẩn bị nguyên liệu, nấu trên bếp củi, chế biến với những gia vị bản địa ở Việt Nam.
Đặc biệt, phần đồ ăn màu sắc được bày biện trong bẹ hoa chuối đỏ thắm, tạo nên vẻ ngoài xinh xắn ấn tượng.
Việc đặc biệt chú trọng sử dụng vật liệu tự nhiên và bản địa đã thể hiện tinh thần bền vững, nối tiếp truyền thống và sự trải nghiệm cá nhân để sáng tạo, những điều mà Huy và Hiền dùng cả đời theo đuổi.
Triển lãm được bao trùm trong không gian của những thước vải thủ công từ các làng nghề Việt, kết hợp phương pháp nhuộm thủ công từ các cây cỏ tự nhiên, vài tấm còn được được điểm tô bằng họa tiết hoa lá, núi non, thực hiện bằng phương pháp vẽ sáp ong của đồng bào Tây Bắc. Quả thực, đây là minh chứng cho một tình yêu đầy thăng hoa, từ niềm vui sở thích, tới tình yêu đôi lứa, và đến cả tình yêu quê hương đất nước.
Với ý tưởng chủ đạo Đất và Chàm, triển lãm đã gom lại quá trình học hỏi, tìm hiểu và trải nghiệm những kĩ thuật sáng tạo của hai bạn trẻ, sau đó tái hiện lại thành một “bữa tiệc thị giác và trải nghiệm tuyệt vời”.
Là sự giao hòa của hai con người trong sự kiện kết đôi của cuộc đời, Huy và Hiền đã lấy sự lao động để kết nối với nhau, kết nối với cuộc sống và hành trình phát triển. Buổi rước dâu “Tay trong tay” vừa thể hiện một tình ý cũng là một quá trình lao động khi ở bên cạnh nhau, đồng hành và san sẻ trên những chặng đường tiếp nối.
Nhìn vào “Tay trong tay”, ta có thể thấy được ý thức về sự bền vững của cả một thế hệ trẻ, ngoài sự bền vững của nền văn hóa bản sắc Việt, còn là bền vững đối với môi trường sống của cả nhân loại. Giờ đây, khi vấn đề môi trường đã trở thành trách nhiệm của mỗi cá nhân trên trái đất này trong quá trình tiêu thụ các sản phẩm hằng ngày, thì những người làm trong ngành văn hóa cũng chẳng thể nào xa rời khỏi xu thế.
Triển lãm sử dụng bẹ hoa chuối làm dĩa, sử dụng cốc, chén thủy tinh, gốm sứ thay vì sử dụng những sản phẩm dùng một lần chính là muốn truyền đi những thông điệp tích cực đó cho cộng đồng. Hơn thế nữa, vải thủ công như của Đông Phong lại là những chất liệu gần gũi với môi trường, có thể kể đến những sợi tơ, sợi bông, sợi gai dầu, những chất liệu có thể tự phân hủy sinh học.
Việc lan tỏa giá trị của các sản phẩm thủ công góp phần duy trì các làng nghề, giúp cho các giá trị của các di sản được bảo tồn bền vững, cũng như thúc đẩy sự tìm tòi, nghiên cứu của quần chúng đối với các giá trị văn hóa, di sản của ông cha. Từ đó, vẻ đẹp của những giá trị đó sẽ được lan tỏa, tiếp nhận một cách tự hào và rộng rãi. Người Việt sẽ càng ngày càng tự tin về bản sắc, văn hóa của mình để vững bước phát triển bản thân trong một thế giới ngày càng rộng mở.