Khi nhìn rộng ra thế giới, không có nhiều quốc gia có trang phục dân tộc hiện diện dày đặc trong đời sống hằng ngày như chiếc áo dài, từ làm đồng phục trường học, cơ quan đến diện trong các sự kiện trang trọng. Người mặc áo dài đa phần là nữ giới, do sự đứt gãy về trang phục Việt trong quá khứ, và do cả sự du nhập và đề cao văn hóa phương Tây [Tây học].
Ngoài áo dài vốn được biết đến rộng rãi, các mẫu áo Việt phục đa dạng khác cũng đang được đẩy mạnh nghiên cứu đưa trở lại cuộc sống hiện đại, khai thác giá trị văn hoá, kinh tế trong những năm gần đây. Một bộ phận nam giới Việt Nam cũng diện Việt phục nhờ sự phổ biến tăng cao của áo ngũ thân, tiền thân của áo dài.
Một tín hiệu đáng mừng là các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến văn hóa, lịch sử, di sản của nước nhà. Lòng tự hào dân tộc và tự tin với căn cước văn hóa là người Việt Nam đã ngày một được nâng lên.
Dù vậy, đã có nhiều tranh cãi gay gắt dấy lên xung quanh việc mặc Việt phục đi đến các di tích, địa điểm du lịch nổi tiếng ở nước ngoài. Có ý kiến cho rằng đó là điều không nên vì bối cảnh đó không hề Việt Nam, nhẹ thì là tồn tại sự "lệch pha" giữa trang phục và khung cảnh, nặng thì phê phán hành động này là không “nhập gia tùy tục”, không tôn trọng văn hóa và suy nghĩ của người địa phương. Ở luồng dư luận ngược lại, thì đây là một hành động quảng bá vẻ đẹp văn hóa, di sản nước nhà, là điều nên làm.
Với tư cách là một người Việt xa xứ và trân trọng các giá trị Việt, người viết cho rằng không cần mang trọng trách quảng bá văn hóa nước nhà đặt nặng lên tấm áo mặc trên người. Nếu như người Tây Âu mặc Âu phục không nhất thiết thể hiện trọng trách quảng bá văn hóa, mà chỉ đơn giản là trang phục đó phù hợp với họ. Thì việc một người con đất Việt khoác lên mình một tấm áo Việt (Việt phục) nên được coi là chuyện bình thường, không nên làm sự việc trở nên quá nặng nề, hà khắc.
Đối với Việt phục vốn được sử dụng từ thời xưa như thường phục (ví dụ như ngũ thân tay chẽn), việc mặc chúng nên được nhìn nhận thoải mái hơn.
Còn với trường hợp trang phục vốn được thiết kế dành riêng cho những dịp lễ nghi, lễ tế, sự kiện đặc biệt (điều này đòi hỏi kiến thức văn hóa sâu rộng), việc mặc chúng khi đến những địa điểm văn hóa công cộng ở nước ngoài và cả Việt Nam nên được suy xét dưới nhiều góc độ. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn trang phục đến nơi đã có quy định trang phục rõ ràng, hay những di tích mang màu sắc nhạy cảm về chiến tranh, chính trị.
***
Một số hình ảnh người viết diện Việt phục (áo dài Lãnh Mỹ A, Ngũ thân tay chẽn, Ngũ thân tay thụng, Viên lĩnh) đến những địa danh, di tích văn hóa nổi tiếng và dạo bước trên đường phố Châu Âu, vẫn thường nhận được sự hoan nghênh, tán thưởng của người địa phương:
Áo ngũ thân tay chẽn trên đường phố Barcelona, Tây Ban Nha. |
Người viết mặc áo ngũ thân tay chẽn từ vải tơ tằm Nam Cao chụp cùng Thị trưởng thành phố Maastricht, Hà Lan |
Người viết mặc áo dài từ lãnh Mỹ A và áo viên lĩnh bán tí tại Hội chợ Mỹ thuật Châu Âu (TEFAF - The European Fine Art Fair). |
Người viết mặc áo ngũ thân tay thụng tại Château Neercanne, Hà Lan |
Người viết mặc áo ngũ thân tay chẽn tại lâu đài Lieser, vùng Moselle nước Đức |