Tháng 5/2021, trong đỉnh điểm bùng phát dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày Ấn Độ có thêm hơn 200.000 ca nhiễm mới; có lúc lên 320.000 ca, khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Các bệnh viện đều kín chỗ. Thuốc, vaccine, oxy và các vật tư y tế đang cạn kiệt. Trong bối cảnh ấy, một doanh nghiệp có tên Varsha Engineering (mà sau này cảnh sát điều tra ra là một xưởng phế liệu) đã sơn lại các bình chữa cháy và bán chúng với giá… bình oxy. Hậu quả có thể gây chết người.
Những kẻ trục lợi từ đại dịch mọc lên như nấm sau mưa, chúng quảng cáo tràn lan trên mạng và dùng sim rác để liên lạc. Trong nhiều trường hợp, những người nghèo đã trả tới đồng rupee cuối cùng để mua về đồ giả, mà họ tưởng là phao cứu sinh. Thậm chí cảnh sát ở bang Uttar Pradesh còn bắt giữ một ổ nhóm trộm những tấm vải liệm đã qua sử dụng từ các thi thể và bán chúng như mới.
Người dân Ấn Độ bấu víu vào từng bình oxy để mưu cầu sự sống trong cơn bão COVID-19 (Ảnh: AFP) |
Ở Việt Nam, ngay từ khi mới chớm dịch, cơn sốt khẩu trang có lúc đã đẩy giá khẩu trang y tế tăng tới cả chục lần. Trong khi nguồn nguyên liệu khẩu trang chưa kịp nhập về cũng như sức sản xuất loại hàng thiết yếu mới này còn chưa kịp điều chỉnh, thì khẩu trang giả xuất hiện tràn lan.
Tháng 4/2020, Hà Nội phát hiện công ty Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh sản xuất hàng ngàn bộ trang phục phòng dịch làm giả. Tháng 7/2020, TP.HCM phát hiện Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh sản xuất hơn 150 ngàn chiếc khẩu trang nhãn hiệu 3M, giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ. Tháng 8/2020, Hòa Bình phát hiện hàng ngàn chiếc găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc tại Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng BM. Lực lượng chức năng tạm giữ hơn 100 ngàn chiếc khẩu trang y tế loại 3 - 4 lớp làm giả đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Bước sang năm 2021, mặc dù tình trạng thiếu khẩu trang đã không còn, nhưng một số đối tượng vẫn tiếp tục sản xuất hàng giả, chất lượng kém đóng nhãn cao cấp. Mới 2 ngày trước, 6/8/2021, lực lượng liên ngành Hà Nội phát hiện tại Công ty cổ phần thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam có chứa hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng 17.100 chiếc.
GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội – ngày 9/8/2021 đã phải đăng thư ngỏ gửi các nhà tài trợ hảo tâm về câu chuyện khẩu trang giả. Bức thư có đoạn: “Trong tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm, bè bạn đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ mua trang thiết bị bảo hộ tặng cho các cán bộ y tế để giúp bảo vệ các “thiên thần áo trắng” trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh mắc Covid-19.
Chúng tôi rất cảm động trước nghĩa cử cao đẹp đó và vô cùng biết ơn những sự giúp đỡ đó. Tuy nhiên khi kiểm tra các trang bị bảo hộ đặc biệt là khẩu trang N95, một lá chắn quyết định trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus Sars-CoV-2 thì rất nhiều trong số khẩu trang nhận được từ các nguồn tài trợ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là một nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế”.
Bác sĩ Trần Bình Giang (đứng giữa) trong một ca mổ cùng ekip y bác sĩ bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Vnexpress) |
Bức thư ngỏ của bác sĩ Giang được nhiều người ủng hộ và chia sẻ, bởi nó đặt ra một vấn đề đáng sợ: Nếu những y bác sĩ, những chuyên gia y tế đang chống dịch ở tuyến đầu lại sử dụng phải những sản phẩm y tế giả, không có tác dụng bảo vệ thậm chí còn là tác nhân lây lan virus corona, thì hậu quả sẽ nguy hại đến mức nào?
Những dạng thức giả mạo, lừa đảo không chỉ có thế. Theo Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, lợi dụng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã giả mạo là nhân viên của tổ chức y tế trong nước hoặc quốc tế, điển hình như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh hay Tổ chức Y tế Thế giới gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19. Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Cùng với đó, lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm COVID-19, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân; tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị đó. Các đối tượng còn tạo lập nên các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc với nạn nhân và không giao hàng như đã thỏa thuận.
Các đối tượng còn mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,… nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức; dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo do chúng lập ra mạo nhận là giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các bẫy lừa đảo đầu tư, điển hình như sử dụng chiêu trò hứa hẹn nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận cao khi đầu tư vào công ty cung cấp sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. Tạo ra các phần mềm ứng dụng cho điện thoại, thoạt nhìn giống như các ứng dụng phổ biến dùng để theo dõi diễn biến lây lan của dịch COVID-19. Nhưng khi người dùng tải về điện thoại của họ sẽ bị tấn công bởi các mã độc nhằm lấy thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, hay chi tiết tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng của nạn nhân.
|
Để bảo vệ quyền lợi cho người dân, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đề nghị người dùng Internet Việt Nam có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến https://canhbao.ncsc.gov.vn. Trung tâm sẽ tổng hợp và phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nhằm hạn chế việc lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.
Vụ việc một tài khoản Facebook tự xưng là bác sĩ Trần Khoa với câu chuyện rút ống thở của cha mẹ để cứu người hồi tuần trước, mặc dù đã được xác định là hoàn toàn bịa đặt, thì cũng đã kịp khiến nhiều người xúc động. Sự xúc động càng lớn, thì khi biết mình bị lừa, hoán đổi thành cơn giận dữ càng cao.
Có chuyện rằng, một người nước Yên tha hương tới nước Lỗ, lúc già mới trở về cố quốc. Trên đường, một người đồng hành chỉ vào cái gò đất nói: - Đây là mồ mả của cha ông anh. Người nước Yên ôm gò đất khóc oà lên thảm thiết. Người khác đi cùng phì cười bảo cho, đây mới là nước Tấn chưa phải nước Yên. Người nước Yên lấy làm bẽn lẽn. Tới khi về nước Yên tới đúng mồ mả cha ông thì người này đã hết cảm xúc nên hờ hững ngay trước mộ cha mình. Kể chuyện xưa này, để thấy rằng lừa gạt lòng tin của con người, của cả xã hội, thì tác hại không thể nào lường hết được.