Chiêu lừa qua điện thoại “bình cũ rượu mới”
Ngày 18/1, Cơ quan CSĐT công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, hiện đơn vị này đang điều tra vụ án lừa trúng thưởng qua điện thoại. Nạn nhân được xác định là chị Võ Thị Thu Thủy (31 tuổi, ngụ Q. Thanh Khê, Đà Nẵng), người đã bị lừa hơn 37 triệu đồng bằng thủ đoạn không mới này.
Theo lời khai chị Thủy nhận được một số điện thoại từ số 01219178xxxx của một người giới thiệu là nhân viên tại một ngân hàng, thông báo chị trúng thưởng xe AirBlade cùng tiền mặt 200 triệu đồng. Sau đó, người này thúc giục chị Thủy nhanh chóng hoàn tất các thủ tục nhận thưởng bằng cách mua card điện thoại rồi nhắn mã số để hoàn tất thủ tục.
Biên bản vụ việc cùng số card điện thoại hơn 37 triệu đồng mà chị Thủy đã mua. Ảnh N.Đ.
Cảnh giác trước trò lừa đảo qua điện thoại nên chị Thủy liên tục đưa ra những câu hỏi “vặn” lại người gọi đến nhưng đều nhận được câu trả lời khá logic từ phía kẻ lừa đảo. Ngoài ra, để tạo thêm sự tin tưởng, kẻ lừa đảo này còn cho chị Thủy 2 số điện thoại của "hai người vừa trúng thưởng" để chị này kiểm chứng.
Khi gọi cho người được giới thiệu là trúng giải nhì 500 triệu đồng thì chị Thủy nhận được sự trả lời của một người đàn ông nói giọng Nghệ An và cho biết đã nhận đủ tiền, dù "phía ngân hàng hành nguyên cả ngày, đủ mọi thủ tục". Anh này còn chia sẻ thêm, đã bán 2 con bò và một đàn heo để có 70 triệu đồng mua card điện thoại gửi cho ngân hàng theo yêu cầu. Tiếp tục gọi điện cho người "trúng giải nhất" trị giá 900 triệu đồng, chị Thủy cũng nhận được câu trả lời chắn chắn về giải thưởng.
Tin lời, chị Thủy liền ra cửa hàng mua đủ 37,5 triệu đồng card điện thoại và đọc cho đầu dây bên kia nhập vào máy tính. Chị được đề nghị đốt hết số thẻ này. Khoảng 5 phút sau khi nạp tiền cho “nhân viên ngân hàng” chị Thủy liên lạc lại thì người này đã tắt máy. Tiếp tục gọi cho "hai người vừa trúng thưởng" trước đó cũng không được. Biết bị lừa, chị vội liên hệ với nhà mạng yêu cầu phong tỏa toàn bộ mã số thẻ nhưng đã muộn.
Nhiều người mắc lưới kẻ gian
Không riêng gì trường hợp của chị Thủy mà hơn một năm trước, rất nhiều người cũng đã “khôn nhà dại chợ” mà mang tiền làm giàu cho những kẻ lừa qua điện thoại.
Chị L.T.T.N ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải trình báo công an vì bị lừa 250 triệu đồng tiền cước điện thoại. Chị đã bị người gọi điện tự xưng là “công an” đang điều tra số điện thoại liên quan đến vụ án lớn, yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản lạ để kiểm tra. Tuy nhiên sau khi chuyển khoản thành công thì số tiền cũng “một đi không trở lại” khiến chị phải cầu cứu công an.
Không chỉ có trường hợp của chị N ở TP. HCM mà bà T.T.T (cán bộ về hưu ở Đà Lạt) cũng đã bị lừa đến ấm ức hơn 96 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng vì nghi ngờ liên quan đến nghi can trong một vụ án buôn bán ma túy, rửa tiền thông qua mua bán bất động sản. Mặc dù là cử nhân luật nhưng dưới những lời lẽ hết sức xác đáng và có lý của “trung úy” và “kiểm sát viên”, bà vẫn bị lừa một cách ngoạn mục.
Cùng cảnh ngộ như bà T, cuối tháng 8/2014, bà Vũ Kiều Lan – một tiểu thương ở quận Hoàn Kiếm đã rơi vào màn kịch lừa đảo có thủ đoạn nêu trên. Trong lúc hoảng hốt, người phụ nữ này đã chuyển hơn 500 triệu đồng vào tài khoản của nhóm tội phạm.
Các số điện thoại bọn tội phạm gọi đến cho bà T.T.T
Cảnh báo "tiền mất tật mang"
Những chiêu lừa đảo ngày càng biến hóa đa dạng, sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi đánh vào tâm lý người bị lừa thích nhiều tiền hoặc ngại hay sợ va chạm với luật pháp. Những kẻ lừa đảo thường là một nhóm các đối tượng liên kết với nhau cùng thực hiện một vụ lừa đảo nhằm trấn an lòng tin của những người bị lừa. Hơn nữa sự chuyên nghiệp của chúng cũng khiến nhiều người yếu vía hoặc lòng tham được củng cố mà tự lấy tiền chuyển vào tài khoản cho kẻ gian.
Hai người quốc tịch Đài Loan và nhóm lừa đảo bằng màn kịch thiếu tiền cước điện thoại bị Công an TP.HCM bắt giữ.
Trước những chiêu trò của những kẻ lừa đảo, các cơ quan và nhà mạng cũng đưa ra những lời cảnh báo đối với người dùng, tuyệt đối không tin những lời quảng cáo hay thông báo tiền cước điện thoại từ số máy lạ bởi bạn có thể nhanh chóng bị lừa mà không hay. Tương tự với các cuộc gọi xác nhận tin nhắn hay thông tin từ các cơ quan công an, viện kiểm sát yêu cầu chuyển tiền kiểm tra cũng cần phải hết sức cảnh giác.
Người dân phải tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn mới của kẻ lừa đảo, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” đừng để mất bò mới lo làm chuồng, tiền chảy vào túi kẻ khác một cách dễ dàng hợp pháp.
Tuệ Linh