Công nghệ đang vào mọi ngõ ngách cuộc sống
Thay vì đến quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) nộp hồ sơ đăng kí kinh doanh, anh Nguyễn Xuân Cường đã sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến để hoàn thành các thủ tục hành chính. Anh Cường cho biết: “Những thủ tục phức tạp khi làm hồ sơ trực tiếp như trước kia giờ được công khai trên cổng dịch vụ công, được cập nhật và hướng dẫn tận tình mà không cần phải đến UBND quận”.
Không chỉ có anh Cường, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn quận Tân Bình cũng chọn dịch vụ công trực tuyến để hoàn thành các nguyện vọng hành chính của mình. Hơn 4 tháng nay, quận Bình Tân tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính công trực tuyến tăng cao nhờ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường mùa COVID-19 và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP HCM cho biết: Quận đã triển khai 61 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 13 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Lượng người đến làm thủ tục trực tiếp giảm từ 15 - 20%, điều này đồng nghĩa quận cũng đã giảm được lượng hồ sơ giấy và số lượt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Làm thủ tục hành chính |
TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn tới các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện về việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngay cả các cuộc họp giữa sở và địa phương cũng được tăng cường sử dụng theo hình thức họp trực tuyến.
Tương tự, bối cảnh dịch bệnh đã đặt ra bài toán bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi kịp thời. Cơ sở sản xuất đồ uống Việt Hiếu ở TP Hà Nội đã nhanh chóng chuyển hướng sang làm việc trực tuyến qua một phần mềm quản trị ngay khi người dân ở nhà sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn đến công ty. Theo đó, nội dung công việc được lãnh đạo giao và kiểm soát trên hệ thống. Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Kế toán trưởng cơ sở sản xuất đồ uống Việt Hiếu cho biết: Đơn vị áp dụng hệ thống quản trị trực tuyến từ năm 2016 và vừa mới nâng cấp hệ thống nên khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mọi công việc vẫn xử lý bình thường. Đến nay, công việc của cơ sở vẫn diễn ra bình thường, không bị ngưng trệ. Từ việc áp dụng hệ thống quản trị số, đơn vị hướng đến các giao dịch điện tử như hóa đơn điện tử, kê khai thuế qua mạng…
Ở các trường học, việc học trực tuyến cũng được áp dụng một cách nhanh chóng. Ngay từ đầu tháng 2/2020, trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã triển khai học trực tuyến. Thầy giáo Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc học trực tuyến là xu hướng tất yếu với nhiều môn học để bổ trợ lẫn nhau. Kể cả khi kết thúc dịch bệnh COVID-19, nhà trường cũng sẽ thành lập Trung tâm học trực tuyến bởi đây là xu hướng tất yếu để học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi. Việc này sẽ được nghiên cứu bài bản thành hệ thống để có thể quản trị số tốt hơn.
Ở cấp độ cao hơn, trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đầu tư hệ thống học trực tuyến E-learning theo hướng quản trị số. Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Nhà trường đã ấp ủ dự án học trực tuyến từ 3 năm trước. Do đó, nhà trường đã phối hợp với đơn vị công nghệ xây dựng hệ thống trực tuyến E-learning một cách đồng bộ. Hệ thống này không chỉ đơn thuần là tương tác giữa thầy và trò mà là cả hệ thống quản trị dữ liệu các bài giảng, có phân cấp từ ban giám hiệu đến các phòng khoa, lớp học. Hệ thống này được số hóa và quản trị chặt chẽ, bảo mật và tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của môn học.
Nhận thức phải đi trước một bước
Ngay từ tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-BTTTT phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Đây là Chỉ thị thứ 2 mà Bộ trưởng chỉ đạo toàn Ngành TT&TT cùng vào cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giúp cuộc sống tiếp diễn bình thường và thúc đẩy phát triển CNTT, chuyển đổi số, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị này đã nêu lên 10 nhiệm vụ chính, bao gồm: Phát triển môi trường làm việc số phục vụ nhu cầu công việc; Phát triển hệ thống y tế số phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ; Phát triển hệ thống đào tạo số phục vụ nhu cầu học tập; Phát triển hệ thống tiện ích số phục vụ nhu cầu sinh hoạt; Phát triển hệ thống nội dung số phục vụ nhu cầu giải trí; Phát triển nền tảng số cung cấp dịch vụ vận chuyển; Phát triển hệ thống nhà máy thông minh phục vụ sản xuất; Phát triển các nền tảng thanh toán số; Phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Phát triển cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, khi chuyển đổi từ không gian truyền thống lên không gian mạng, nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất, nhận thức phải đi trước một bước.
Dịch vụ công trực tuyến giúp người dân làm thủ tục nhanh hơn |
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao. Lý giải điều này, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: “Có ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) chưa trở thành thói quen của người dân. Đa số người dân vẫn quen thuộc với việc nộp hồ sơ trực tiếp tại các Trung tâm Hành chính công, Bộ phận một cửa. Thứ hai, mặt bằng trình độ công nghệ thông tin của người dân chưa đồng đều, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ để biết và sử dụng DVCTT. Thứ ba, DVCTT do các cơ quan nhà nước vẫn chưa đủ thuận tiện, nhiều dữ liệu chưa liên thông, các chức năng xác thực điện tử và thanh toán trực tuyến chưa hoàn thiện.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, xu hướng chuyển sang sử dụng DVCTT thay thế cho việc nộp hồ sơ trực tiếp là tất yếu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4 gửi các Bộ, ngành, địa phương.
“Để thúc đẩy việc cung cấp, sử dụng DVCTT, các nền tảng dùng chung có vai trò đặc biệt quan trọng, cần phải ưu tiên phát triển. Bộ TT&TT đã và đang phát triển các hệ thống nền tảng kỹ thuật cho Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc; Nền tảng để người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử; Xây dựng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử…” - ông Tiến nói.
Khám bệnh trực tuyến mùa COVID |
Quá trình chuyển đổi số nhanh hay chậm phụ thuộc phần lớn vào các bộ, ngành, địa phương - các cơ quan có vai trò quan trọng nhất, là nơi trực tiếp cung cấp và xử lý các thủ tục hành chính. Muốn triển khai các dịch vụ công trực tuyến thực sự hiệu quả, phải xuất phát từ gốc, đó là việc xử lý hồ sơ trực tuyến dựa trên các nền tảng dùng chung, các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại bộ, ngành, địa phương.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, từ trung tuần tháng 4/2020 đến nay, Bộ TT&TT đã liên tục giới thiệu các nền tảng Make in Vietnam như: Nền tảng phục vụ nhu cầu học tập, đào tạo trực tuyến; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24; Nền tảng điện toán đám mây Việt; Nền tảng mã bưu chính Vpostcode; Các nền tảng hộ nghị truyền hình trực tuyến Zavi, Comeet; Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office. Mới đây là sự ra mắt các nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee cho phép các doanh nghiệp (DN) giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile (hoặc website) sẵn có mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba; Ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov.
Ông Nguyễn Phú Tiến khẳng định, Việt Nam có thuận lợi là có những doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn mạnh, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, có nguồn lực tài chính và nhân lực, có thể tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng giúp cho chuyển đổi số nhanh những lĩnh vực lớn và quan trọng như giáo dục, y tế. Với “cú hích” là dịch bệnh COVID-19, trong thời gian tới, chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông,“chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt vào đầu tháng 6 là bản lề quan trọng về khung chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Chương trình có mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.