Bất cập nảy sinh lại xảy ra khi nhiều lãnh đạo đương chức của các sở ngành địa phương tham gia công tác biên soạn các bộ SGK này. Hậu quả là dù được quyền lựa chọn nhưng liệu các hiệu trưởng (người có quyền lựa chọn SGK) có dám loại bỏ các cuốn SGK mà lãnh đạo của mình tham gia biên soạn? Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn rằng việc lãnh đạo sở giáo dục nhận tiền để biên soạn SGK rồi lãnh đạo các trường (trực thuộc sở) bỏ phiếu chọn lựa thì có công bằng, minh bạch hay không?
Mập mờ tiền chỉ đạo biên soạn
Mấy ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc NXB Giáo dục Việt Nam có quyết định chi tiền thù lao hang tháng từ 3, 5 đến 6 triệu đồng cho 11 cán bộ thuộc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh. Đó là Giám đốc Sở GDĐT TP HCM Lê Hồng Sơn cùng phó giám đốc, một số cán bộ chuyên viên thuộc sở này. Trong đó, ông Sơn nhận mức thù lao lớn nhất là 6 triệu đồng/tháng. Việc chi tiền thù lao hàng tháng bắt đầu tư 5/2015 và kéo dài liên tục đến nay. Tính sơ bộ, các cá nhân này đã nhận hàng trăm triệu đồng cho việc biên soạn bộ SGK mới này.
Ngoài ra, từ năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam cũng chi tiền thù lao hàng tháng cho 15 cá nhân (gồm 14 người là chuyên viên các môn học thuộc phòng, ban của Sở GDĐT TP HCM) với mức tiền 2,5 triệu đồng/tháng/người. Giải thích về các khoản chi lên đến hàng tỷ đồng này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết việc này hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tiền mà NXB chi cho các cá nhân là để họ giúp NXB biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung sao cho phù hợp với từng vùng miền khác nhau. Các khoản chi này cũng được NXB tự cân đối tuỳ theo năng lực, đóng góp của các cá nhân khác nhau trong bộ sách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM (cũng nằm trong nhóm nhận được tiền của NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, một số người của Sở này có tham gia biên soạn, chỉ đạo biên soạn bộ SGK lớp 1 mang tên “Chân trời sáng tạo”. Đây là một trong số các bộ SGK đã được Bộ GDĐT thẩm định, sẽ xuất hiện trong chương trình dạy và học của các trường từ năm 2020. Tuy nhiên, việc các trường có lựa chọn hay không lại là vấn đề khác. Với việc biên soạn bộ sách này, ông Hiếu cho biết các cán bộ, chuyên viên của Sở GDĐT TP HCM đã dành nhiều tâm huyết, công sức để biên soạn, chỉ đạo biên soạn vì bản thân họ cũng là các nhà chuyên môn, có kiến thức và am hiểu trong lĩnh vực này. Mấy năm qua, Sở này đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn thành phố để trao đổi, lấy ý kiến cũng như đánh giá về bộ sách này.
Nhiều câu hỏi
Về bản chất, việc các cá nhân thuộc Sở GDĐT TP HCM nhận tiền của NXB Giáo dục Việt Nam giúp biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung bộ SGK mới là không sai quy định của pháp luật. Đây gần như là việc “làm thêm” của các lãnh đạo, chuyên viên vậy.
Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” do nhiều lãnh đạo sở GDĐT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn |
Theo quy trình chọn lựa SGK sẽ được áp dụng từ năm học 2020 tới thì có nhiều NXB sẽ cùng biên soạn một chương trình. Sau đó NXB trình lên Hội đồng Thẩm định, xét duyệt của Bộ GDĐT. Các bộ SGK qua vòng thẩm định sẽ được in ấn, lưu hành nhưng số lượng bản in này sẽ tuỳ thuộc vào các trường ở từng địa phương. Do có nhiều bộ SGK và việc chọn lựa này do người đứng đầu các trường (hiệu trưởng) chọn lựa. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là nếu hàng chục lãnh đạo sở của một địa phương cùng đứng tên tham gia vào biên soạn, chỉ đạo biên soạn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chọn bộ sách nào. Thực tế quản lý hiện nay, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay luân chuyển các hiệu trưởng đều phải thông qua các lãnh đạo phòng, ban của sở giáo dục. Đó là lý do dư luận đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn về tính công bằng trong việc chọn lựa các bộ SGK này. Hiệu trưởng các trường sẽ chọn bộ sách có các lãnh đạo trực tiếp của mình biên soạn hay chọn một bộ sách khác, phù hợp với nhu cầu của học sinh? Đặc biệt, việc các lãnh đạo của sở tham gia biên soạn nội dung sách thay vì đội ngũ giáo viên, nhà giáo cũng gần như việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bởi nhiệm vụ của lãnh đạo là làm công tác quản lý, mang đến sự chọn lựa cho các cá nhân khác.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, việc xã hội hoá in SGK là để tăng thêm các bộ sách khác, nhằm mang đến sự mới mẻ về nội dung, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền cho các lãnh đạo sở giáo dục địa phương là thiếu minh bạch. Bởi nếu không phải là địa phương tập trung tới 1,7 triệu học sinh đang theo học bậc phổ thông thì NXB này co bỏ tiền chi thù lao hay không? Ngoài TP HCM, NXB này còn chi thù lao cho bao nhiêu các lãnh đạo địa phương thuộc các sở giáo dục khác?
Đến nay việc chọn lựa và sử dụng bộ SGK mới vẫn chưa chính thức được công bố. Tuy nhiên, việc các NXB bắt tay cùng lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương sẽ khiến các NXB khác rất khó cạnh tranh. Và nếu trong năm học tới, các bộ SGK mới nhưng vẫn do chính NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn như mấy chục năm qua thì e dè rằng việc đổi mới giáo dục sẽ khó có kết quả như kỳ vọng.