Mô hình nhà thời Trần - Bảo vật quý hiếm về kiến trúc của người xưa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mô hình nhà bằng đất nung gồm 14 mảnh ghép với nhau, thể hiện kiến trúc hoàn chỉnh với các họa tiết trang trí, bố cục, điêu khắc tinh xảo của một phủ đệ thuộc giới quý tộc thời Trần thế kỷ 13-14.
Theo các chuyên gia, đây là mô hình kiến trúc nguyên bản, đặc trưng và đầy đủ nhất của thời Trần. Ảnh: Bích Hằng/TTXVN.
Theo các chuyên gia, đây là mô hình kiến trúc nguyên bản, đặc trưng và đầy đủ nhất của thời Trần. Ảnh: Bích Hằng/TTXVN.

Nhà Trần (1225-1400) là một trong những triều đại phong kiến rực rỡ và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ được lưu danh với những chiến công hiển hách, nhà Trần còn để lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo về nghệ thuật và kiến trúc

Đặc điểm về kiến trúc thời Trần rất phong phú về loại hình, quy hoạch thống nhất, cân xứng; trang trí tinh xảo và có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Không chỉ các công trình kiến trúc tôn giáo như đình, chùa, tháp… vẫn còn lưu lại đến ngày nay, mô hình nhà thời Trần bằng đất nung được phát hiện ở tỉnh Nam Định là một bảo vật quý giá cung cấp cho chúng ta những hình dung rõ nét về tư duy kiến trúc tinh tế của người Việt xưa.

Mô hình kiến trúc nhà thời Trần được phát hiện vào năm 1973, khi một người dân đào đất ở gần khu lăng Chiếng, thôn Lại Xá, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và tìm thấy những mảnh gốm đất nung cổ kỳ lạ.

Nhận được thông tin, Bảo tàng tỉnh Hà Nam Ninh khi đó đã cử người về tận nơi, túc trực cả tháng trời để tiếp tục tìm kiếm những mảnh gốm khác.

Các nhà khảo cổ vui mừng khi tìm thấy tất cả 14 mảnh gốm, ghép lại thành mô hình kiến trúc nhà bằng đất nung tinh xảo và nguyên vẹn.

Để đảm bảo độ chính xác, họ tiến hành đào sâu xuống lòng đất gần nửa mét, tìm dấu vết của mô hình in trong đất, đưa mô hình xuống lắp khít với dấu vết này nhằm phục dựng theo đúng nguyên bản.

Sau đó, mô hình nhà được đối chiếu với các tài liệu, sử sách và đối chiếu với hai mô hình kiến trúc thời Trần bằng đất nung tương tự được tìm thấy ở khu Lăng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) và tại Khu đền Trần Hưng Hà (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để xác thực tính đặc trưng.

Theo các nhà nghiên cứu, mô hình nhà gồm 14 mảnh ghép với nhau, thể hiện kiến trúc của một phủ đệ, lăng tẩm của giới quý tộc thời Trần thế kỷ 13-14.

Các nguyên đơn kiến trúc tạo thành một khu nhà hoàn chỉnh kiểu “nội công ngoại quốc” với tường vây, 2 cổng vào nhà chính, nhà hậu, nhà bia, tháp, hành lang, sân vườn… Các họa tiết trang trí, bố cục, điêu khắc đều được thực hiện tinh xảo và mang đặc trưng kiến trúc thời Trần.

Toàn bộ mô hình nhà có kích thước hình chữ nhật dài 100cm, rộng 95cm. Bên ngoài là tường vây gồm 8 mảnh, kết cấu phía trước là cổng, chính giữa tường sau là một tòa nhà 4 mái.

Mặt trước hai bên tường chạm thông phong hoa văn nhánh cúc; hai bên tường mở 2 cổng, trong đó, cửa cổng bên phải có bố cục và đồ án trang trí hình đôi rồng chầu lá đề, phần dưới trang trí hoa văn sóng nước giống như trên bộ cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh; cổng cửa bên trái có vệt tròn vạch vào chính giữa.

Mặt trong tường để trơn, khắc ký hiệu để lắp ghép; mặt ngoài trang trí ô hoa văn hoa thị 4 cánh. Tường tạo 2 mái vát, riêng ở vị trí cổng có 4 mái. Mái lợp ngói ống và ngói mũi sen.

Trung tâm của mô hình nhà là cụm công trình gồm tòa nhà chính hình chữ nhật 4 mái lợp ngói, hiên rộng, dựng 2 cột tròn 2 bên, phía trong là bộ cánh cửa trang trí hình rồng chầu.

Kế tiếp là hai dãy nhà dọc nằm ở hai bên (dạng ống muống) vuông góc và gối một đầu lên nhà chính. Bên phải công trình chính là nhà đặt bia, bên trái là cây tháp (dạng tháp mộ) 2 tầng 4 mái lợp ngói mũi sen.

Các nhà khảo cổ cùng với các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu trong thời gian hơn 10 năm và khẳng định đây là mô hình kiến trúc nguyên bản, đặc trưng và đầy đủ nhất của thời Trần.

Điểm độc bản của mô hình ngoài việc nguyên vẹn về hình dáng, có nguồn gốc rõ ràng thì các chi tiết kiến trúc cột, trụ, xà, đấu, vì kèo… được trang trí tỉ mỉ, thiết kế tinh xảo với nhiều hoa văn chủ đạo như lá đề, hoa cúc, hình rồng mà không một mô hình nhà nào ở Việt Nam có được.

Trước đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các thành phần kiến trúc bằng đất nung như mảnh mô hình nhà tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc; đầu đao ở làng An Nhân, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản; góc mái tháp ở chùa Đồi, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên)...

Điều này đã khẳng định mô hình nhà thời Trần được sử dụng để làm bản vẽ kỹ thuật trước khi tiến hành xây dựng trên thực tế.

Việc tìm thấy một mô hình hoàn chỉnh cho phép các nhà nghiên cứu hình dung được thực tế kiến trúc cũng như phong cách trang trí, mỹ thuật thời Trần như thế nào. Đặc biệt, mô hình là tư liệu quý để các nhà khoa học, kiến trúc nghiên cứu, phục dựng các công trình lịch sử thời Trần hiện nay.

Mô hình nhà thời Trần bằng đất nung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào ngày 25/12/2015 theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nam Định. Đây không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Nam Định mà còn là tài sản chung quý giá của cả dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).