Trong ngày “Cá tháng Tư” 1/4/2016 vừa qua, nhiều người dùng MobiFone phản ánh rằng, không hiểu nguyên nhân vì sao mà nhiều chủ thuê bao không thể dùng 3G, cũng như không thể gọi điện liên lạc được với các thuê bao khác. Tình trạng “xấu” này không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn xảy ra tại Phan Thiết, Nha Trang, Nghệ An, Đà Nẵng... Điều đáng nói là sự việc trên không được MobiFone thông báo trước cho người dùng.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, MobiFone đã có văn bản gửi đến báo chí nhằm “thanh minh” cho sự cố rớt mạng trên. Theo đó, nhà mạng này cho rằng, việc để xảy ra tình trạng đáng tiếc trên là do lỗi nâng cấp hệ thống tổng đài để nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng trong dịp Lễ 30/04, 01/05 sắp tới.
Nhà mạng này cũng cho biết, trong quá trình nâng cấp hệ thống vào ngày 01/04/2016, sự cố trên đã làm ảnh hưởng đến một số đầu số thuê bao tại khu vực Hà Nội và khu vực miền Trung. Thuê bao không gọi ra, gửi tin nhắn đi được và không truy cập được mạng 3G.
Trong ngày 1/4/2016, nhiều thuê bao của MobiFone bỗng dưng không thể dùng 3G, cũng như không thể liên lạc được với các thuê bao khác. Ảnh: NTD.
Hiện tượng trên đã được MobiFone khắc phục và khách hàng đã sử dụng dịch vụ bình thường. Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng chân thành gửi lời xin lỗi Quý Khách hàng vì sự cố trên và rất mong Quý Khách hàng thông cảm.
Mặc dù MobiFone đã có văn bản thông báo giải thích về sự cố trên, cũng như đã có lời xin lỗi đến người dùng. Nhưng theo Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla, thì sự việc mà hãng viễn thông này gây ra đã vi phạm quy định về quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật sự Hòe cho biết, theo khoản 1 và khoản 2 tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về “Quyền của người tiêu dùng”, thì khách hàng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Theo điểm c, khoản 1, điều 16 của của Luật Viễn thông 2009 quy định về “Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông”, thì người tiêu dùng được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng mạng hàng hóa dịch vụ theo quy chuẩn kĩ thuật mà tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đã công bố niêm yết.
Mà cụ thể ở đây là được sử dụng dịch vụ viễn thông của nhà mạng MobiFone theo đúng chất lượng trong hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông. Đồng thời, Luật Viễn thông cũng quy định cụ thể nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ mạng tại điểm g khoản 1 Điều 14 Luật viễn thông năm 2009.
Luật sư Trương Quốc Hòe: “MobiFone đã vi phạm quy định về quyền lợi của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 và Luật Viễn thông năm 2009”. Ảnh: PLVN.
Cũng theo Luật sư Hòe, ở đây, Mobifone đã tiến hành nâng cấp mạng dẫn đến việc các thuê bao tạm thời không thể sử dụng được dịch vụ, không thể kết nối được 3G, không gọi điện liên lạc với thuê bao khác mà không thông báo trước cho người sử dụng biết về việc này.
Như vậy, trong trường hợp này, MobiFone đã không đáp ứng đầy đủ dịch vụ cho người tiêu dùng, không đảm bảo chất lượng đường truyền, vi phạm quy định về quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia sử dụng dịch vụ, vi phạm quy định về quyền lợi của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 và Luật Viễn thông năm 2009.
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 23 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về “Vi phạm các quy định về thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông” thì MobiFone sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi không thông báo cho người sử dụng dịch vụ biết về dịch vụ viễn thông.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 33 Luật Viễn thông năm 2009 quy định về “Hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại”, thì người tiêu dùng sẽ được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi nhà mạng MobiFone không cung cấp đúng, đầy đủ dịch vụ cho người tiêu dùng, được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước mà nhà mạng MobiFone đã thu.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 630 Bộ Luật dân sự năm 2005 về “Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng” quy định “cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không đảm bảo chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
“Như vậy, theo quy định trên thì người tiêu dùng sẽ được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi nhà mạng MobiFone không cung cấp đúng, đầy đủ dịch vụ cho người tiêu dùng, được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước mà nhà mạng MobiFone đã thu. Vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại tại Bộ luật dân sự. Theo đó, người sử dụng dịch vụ cần phải chứng minh có thiệt hại xảy ra, thiệt hại đó phải do sự cố từ nhà mạng MobiFone…”, Luật sư Hòe cho biết thêm.
Ngày Nay Online sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này...
Quang Phú