“Nhịn” vì nhà vệ sinh quá bẩn
Việc xử phạt hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định là việc được dư luận rất đồng tình. Tuy nhiên, người dân cũng có không ít băn khoăn khi hiện nay số lượng nhà vệ sinh không đáp ứng được nhu cầu. Và “đau đầu” hơn nữa là nhà vệ sinh công cộng lại quá bẩn, xuống cấp khiến nhiều người "rùng mình" khi nghĩ đến.
Tại Hà Nội, một số tuyến đường đông người qua lại như khu vực phố đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm, khu vực công viên Thống Nhất, bến xe Mỹ Đình, Xuân Thủy… đều có nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, không gian của những nhà vệ sinh này rất chật, gây khó khăn khi sử dụng, nhiều nhà vệ sinh bị hỏng, mất nước, vệ sinh thiếu nước dội, mùi khai bốc lên nồng nặc mỗi khi mở cửa.
Bạn Ngọc Bích (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Tôi thấy nhà VSCC rất bẩn và mùi rất kinh nên ít khi đi. Mặc dù mỗi lượt sử dụng nhà vệ sinh, người dùng phải trả từ 2.000 đến 3.000 đồng nhưng nhà vệ sinh lại không đảm bảo chất lượng, không có giấy vệ sinh, các thiết bị cũ kỹ và hỏng rất nhiều.
Đối với những người lao động như xe ôm hay taxi... những người có công việc thường xuyên ở ngoài đường thì chuyện “đái đường” không còn xa lạ. Một người lái taxi cho biết, trên những tuyến đường không có nhà VSCC, nên việc “nhịn” mãi không được nữa nên nhiều tài xế bắt buộc phải giải quyết “nỗi buồn” khó nói ngay tại lề đường.
Chưa phân bố hợp lý…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 350 nhà vệ sinh công cộng được phân bố trên 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Trong đó, 263 nhà vệ sinh công cộng cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác.
Tính trung bình mỗi quận chỉ có khoảng trên 30 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, việc phân bố nhà VSCC còn chưa hợp lý. Tại những nơi sầm uất như phố đi bộ Hồ Gươm hay khu vực đường Láng có thể dễ dàng tìm được nhà vệ sinh công cộng, nhưng ở một số tuyến đường khác chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng, thậm chí có nơi tìm mỏi mắt không thấy nhà vệ sinh nào. Điển hình như trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc, Trần Thái Tông ( quận Cầu Giấy) là nơi tập trung đông dân cư nhưng không hề có nhà VSCC nào.
Ngay cả những khu vực có nhiều nhà vệ sinh công cộng như quanh Hồ Gươm, vào những dịp ngày lễ, ngày cuối tuần đông người, số lượng nhà vệ sinh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Việc xử phạt hành vi tiểu bậy, gây mất vệ sinh môi trường nơi công cộng là hoàn toàn đúng đắn, nhưng cơ sở vật chất nhà VSCC làm thế nào để việc xử phạt hiệu quả hơn. Đó chính là câu hỏi nhức nhối đang chờ các cơ quan chức năng tìm ra hướng giải quyết hợp lý.
Theo Báo Xây dựng