Liên quan đến việc điểm thi trung học phổ thông quốc gia 2018 “cao bất thường” tại Hà Giang, vào lúc 1h sáng ngày 17/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:
Qua rà soát, đúng là có sai phạm trong quá trình chấm thi, từ đó căn cứ theo quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hội đồng chấm thẩm định tất cả các các môn thi trắc nghiệm của tất cả các thí sinh trong kỳ thi này.
Ông Trinh cho biết thêm, hiện đã xác định được đối tượng gây ra sai phạm này. Và cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra xác minh, củng cố các chứng cứ.
Trước thông tin này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nắm được thông tin từ dư luận, đã cử đoàn thanh tra lên Hà Giang kiểm tra, làm việc xuyên ngày đêm để có những xác minh bước đầu.
“Mặc dù chúng tôi rất hi vọng rằng, số người mắc sai phạm ở vụ việc này là số ít, nếu chỉ là 1 người thì quá tốt, nhưng điều này khó có thể xảy ra. Bởi lẽ cả quá trình chấm thi không chỉ có 1 người tham gia”, bà An nhận định.
Bà Bùi Thị An đánh giá, để tổ chức cụm thi quốc gia tại một địa phương cần rất nhiều người, ở từng khâu đã được phân công rõ ràng bao gồm những ai, vị trí nào. Vì vậy, không thể nói chỉ có 1 đối tượng mà lại gây ra sai phạm tiêu cực được.
Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhận định: "Chúng tôi hi vọng rằng, số người mắc sai phạm ở vụ việc này là số ít, nếu chỉ là 1 người thì quá tốt nhưng điều này khó có thể xảy ra. Bởi lẽ cả quá trình chấm thi không chỉ có 1 người tham gia. (ảnh Lại Cường). |
Do đó, bà An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác minh, chỉ rõ để thông tin được minh bạch trước dư luận rằng ai đã tham gia, ai đã vi phạm, vi phạm ở mức nào và cần được xử lý theo pháp luật như thế nào.
Theo bà An, vấn đề tiêu cực này không chỉ đơn thuần là chuyện gian lận thi cử;
Mà đó là sự đánh giá trình độ kiến thức của học sinh nhằm định hướng cho giáo dục nước nhà.
Cho nên, nếu không làm rõ những “lỗ hổng” này thì không chỉ người lớn bất bình mà chính các em học sinh mất niềm tin, điều đó khiến tinh thần các em bị tổn hại nặng nề.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đánh giá:
“Lâu nay, tiêu cực trong thi cử chúng ta vẫn chỉ nghĩ là thí sinh bảo bài, tung đáp án, nhòm bài của nhau.
Nhưng nguyên nhân trong vụ việc ở Hà Giang tôi nghĩ có thể đến từ quy trình tổ chức thi không nghiêm túc chứ tiêu cực không phải ở phía thí sinh”, ông Khuyến nhận định.