Nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác
Năm 2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm tốt đẹp cấp Nhà nước đến Việt Nam hồi tháng 9, nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Ngày 19/9, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, trong Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc nêu đậm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, ông nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.
Tổng thống Mỹ Biden thăm chính thức Việt Nam năm 2023 |
Tiếp đó, tháng 11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio |
Tháng 12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân - Giáo sư Bành Lệ Viên đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2023 |
Theo đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Hai bên đã nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, hợp tác trong các lĩnh vực đạt tiến triển tích cực, toàn diện”.
Cũng theo ông Lê Hoài Trung, những nội hàm của quan hệ ở tầm cao mới là 6 phương hướng phấn đấu để tăng cường quan hệ như được nêu trong Tuyên bố chung, tức là “6 hơn”: Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
“Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì xu hướng ổn định và phát triển tốt. Tôi cho rằng hợp tác thiết thực giữa hai nước đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử”, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định.
Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. “Đó là gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục phát triển quan hệ với các nước lớn và các đối tác quan trọng khác.
Với nước Nga, Chủ tịch nước Việt Nam đã sớm sang thăm Nga trong năm đầu tiên sau Đại hội XIII; Phó Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và các quan chức Chính phủ, Quốc hội Nga sang thăm Việt Nam; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và các cơ quan liên quan của hai bên trao đổi tháo gỡ khó khăn, duy trì hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi bên.
Trong năm 2023, các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được Việt Nam mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo |
Chỉ tính riêng hoạt động đối ngoại nửa đầu năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, tham gia 98 hoạt động đối ngoại. Công tác tại Chính phủ, Quốc hội cũng có trên 50 hoạt động đối ngoại quan trọng, chưa kể hoạt động của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đứng đầu các ban, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị, các Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các thành ủy, tỉnh ủy trực thuộc Trung ương…
Song song với việc cũng cố, thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động lớn thể hiện ưu tiên hàng đầu đối với quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia. Năm 2023, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam - Lào - Campuchia tổ chức giao lưu tại khu vực biên giới của ba nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, tình hữu nghị, đoàn kết giữa ba nước.
Quốc tế ghi nhận dấu ấn đậm nét của ngoại giao cây tre
Tiến sĩ Beak Yong-hun, Phó Giáo sư ngành Việt Nam học thuộc Khoa Nghiên cứu Châu Á và Trung Đông ở Đại học Dankook, Hàn Quốc khẳng định, ngoại giao Việt Nam đã đạt những kết quả hết sức tích cực trong năm 2023, nhất là sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ (tháng 9) và Nhật Bản (tháng 11). Cùng với các khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc, những bước tiến mới trong năm 2023 cho thấy Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng, đậm bản sắc “ngoại giao cây tre”.
Trình diễn trang phục truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc tại Lễ Khai mạc Lễ hội Việt Nam-Hàn Quốc tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN) |
Đồng quan điểm, một chuyên gia Nga - ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Khoa học Ý tưởng Á-Âu nhận định: Việt Nam triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương với tinh thần trách nhiệm cao. Việt Nam khẳng định mình không chỉ là một quốc gia mạnh mẽ mà còn có uy tín trên trường thế giới. Bản sắc “ngoại giao cây tre” phản ánh chính sách vững chắc và đường lối đối ngoại linh hoạt của Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để “dung hòa” với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với các lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của đất nước cũng như của khu vực. Chính sách này duy trì nền độc lập để bảo vệ lợi ích quốc gia và vì lợi ích của người dân. Đây là nhận định của cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi.
Ông Pradhan nhấn mạnh, với trường phái ngoại giao này, Việt Nam đã tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thuộc các khối khác nhau và bảo đảm duy trì nền độc lập nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Bản sắc “ngoại giao cây tre” cũng đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.
Một Việt Nam trách nhiệm, chung tay gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục khẳng định hình ảnh một thành viên năng động, tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với hàng loạt đóng góp thiết thực và hiệu quả cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ).
Tính đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của Quân đội, Công an đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại các phái bộ ở Nam Sudan (UNMISS), CH Trung Phi (MINUSCA), khu vực Abyei (UNISFA) và trụ sở LHQ theo hình thức cá nhân và hình thức đơn vị. Việt Nam hiện nay đứng vị trí 45 trên tổng số 120 nước cử quân và cảnh sát với quân số triển khai thường xuyên tại các phái bộ thực địa là 274 người, bao gồm 36 nữ.
Đoàn Việt Nam lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất đầu năm 2023 |
Tổng Thư ký LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự LHQ đã nhiều lần biểu dương và gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Nhiều lãnh đạo LHQ cũng nêu bật đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là cử nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình LHQ với tỷ lệ cao, đạt và vượt tiêu chí do LHQ đề ra.
Đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam được quốc tế ghi nhận |
Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ hai năm là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), được bầu vào một số cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền và tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa (UNESCO); thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong việc cùng các nước ASEAN duy trì đoàn kết, giải quyết các vấn đề phức tạp mới đặt ra, xây dựng tầm nhìn mới, phát triển quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); phát huy vai trò của Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mekong.
Sự tham gia thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về phòng, chống và ứng phó với biến đổi tiêu cực của khí hậu vì lợi ích chung và lợi ích lâu dài của đất nước, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 2/2023) được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Suốt 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam đã liên tục có sự trưởng thành, mở rộng vững chắc, bài bản, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công cuộc gìn giữ hòa bình thế giới, kết quả đáng khích lệ, tự hào.
"Kết quả mà Việt Nam đạt được về đối ngoại gắn liền với thực lực các mặt ngày càng tăng của đất nước, thành quả trực tiếp của sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia, phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan đến công tác đối ngoại. Một yếu tố đóng góp quan trọng nữa là sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế"
Ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam