Trên đây là góp ý của bạn đọc Tuấn Bình gởi cho đến chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM do báo Tuổi Trẻ làm cầu nối.
Tự nhận mình là "người dân Sài Gòn cố cựu", bạn đọc này đọc cho rằng thiệt sự "hả lòng hả dạ" khi đọc được phát biểu đầy tâm huyết và những hành động quyết liệt của lãnh đạo TP.HCM trong thời gian qua.
Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết khá thời sự này.
"Sáng 28/3, đọc Tuổi Trẻ được biết tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, ông Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng nói: "TP.HCM từng là Hòn ngọc Viễn Đông, từng là số 1 của khu vực. Trước đây Singapore, Thái Lan nhìn về Sài Gòn với một sự ngưỡng mộ, khao khát bao giờ mới được như Sài Gòn. Thế nhưng giờ đây, ngay cả so sánh các TP trong cả nước thì ta còn nhiều mặt kém. Ta vẫn là đầu tàu kinh tế, nhưng ta đã lọt khỏi top 3 về chỉ số CPI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh)".
Và, ông Thăng khẳng định "Chúng ta từng là số 1. Nay ta phải ráng hết sức giành lại vị trí số 1 đó".
Xin nói ngay, đọc được nội dung trên, người dân Sài Gòn cố cựu như tôi thiệt sự "hả lòng hả dạ".
Ông Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã nói đúng một trong những sự thật của Sài Gòn và về Sài Gòn ở thời đoạn trước cũng như sau khi mang tên TP.HCM.
Mà như vậy, theo tôi, ông Bí thư Thành uỷ đã phần nào "khai thông" được tinh thần của người dân thành phố này. Bởi, đặc tính người Sài Gòn - TP.HCM như tôi biết vốn dĩ bộc trực, thẳng thắn, chuộng sự thật và cả sự sòng phẳng, không ưa bị / được "vuốt ve" cho qua ngày đoạn tháng theo kiểu "mị dân" - chữ ông Bí thư Thành uỷ đã dùng tại hội nghị nêu trên.
Ông Bí thư Thành uỷ cứ nói thẳng nói thật và toàn tâm vì dân mà hành động, hành động tích cực chắc chắn cá nhân ông và đội ngũ cộng sự các cấp của ông từng bước được nhân dân thành phố nói chung ủng hộ cùng nhau đồng lòng nỗ lực "giành lại vị trí số 1".
Nhân đây, tôi xin được nêu một ý kiến liên quan tới yêu cầu "giành lại vị trí số 1" mà ông Bí thư Thành uỷ đã đặt ra.
Đó là, muốn "giành lại vị trí số 1" dĩ nhiên cần phải cùng lúc làm nhiều việc, nhưng việc trước tiên mang tính chất "mở đường" cần làm ngay là giải toả, giải phóng triệt để mọi trường hợp lề đường bị chiếm dụng.
Lề đường là khu vực công cộng chỉ giành cho người đi bộ. Đất làm lề đường là tài sản chung, không phải của riêng cá nhân, tập thể nào - kể cả nhà nước, đoàn thể hoặc tư nhân. Do vậy, không ai được phép chiếm dụng - dù là "nhân danh cái nghèo".
Mọi kiến trúc xây dựng mặt tiền đường, dù lớn hay nhỏ, dù nhà ở hay tiệm quán không được sử dụng, lạm dụng khoảng trống (lề đường) nằm ngoài "quyền sở hữu đất ở, nhà ở" của mình như ghi trong "giấy hồng, giấy đỏ".
Tình trạng chiếm dụng lề đường - có "bảo kê" hay không có "bảo kê" đã và đang rất phổ biến, ngang nhiên, trầm trọng khiến TP ai nhìn cũng thấy nhếch nhác, xấu xí.
Vậy, làm sao "giành lại vị trí số 1" được? Không thể và không nên tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp làm ăn, sinh sống bằng cách "làm lơ" cho họ chiếm dụng lề đường và sử dụng nó như của riêng.
Sài Gòn - TP.HCM sau 40 năm đổi mới nhìn từ chợ Bến Thành - Ảnh: chụp lại từ flycam.
Thực trạng này vô hình chung đã tạo ra bất công kèm theo không ít hậu quả xấu - kể cả làm hư hỏng cán bộ, nhân viên công quyền.
Tôi nhớ khi Sài Gòn được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông lề đường thông thoáng tha hồ bách bộ ngắm cảnh phố xá.
Hồi đó tôi thường đi bộ trên lề đường Tự Do (nay là Đồng Khởi Q1). Suốt con đường này chỉ có duy nhất ông Thượng sĩ Cảnh Sát tên là Lê Văn Inh được phân công quản lý trật tự. Vậy mà không ai dám vi phạm chiếm dụng một tấc đất lề đường - kể cả mấy bà "nhân danh nhà nghèo" bán thuốc lá cho khách ngoại quốc đựng trong cái hộp bằng gỗ thường tụ tập ở khu thương xá Eden.
Tại sao ông Inh làm được như vậy?
Theo tìm hiểu của tôi, đơn giản vì ông ta thừa hành công vụ rất nghiêm túc, thẳng thắn và không ăn hối lộ của ai, người nào vi phạm ổng xử phạt láng, quá ba lần ổng yêu cầu trên cuộc cảnh sát hoặc ty cảnh sát câu lưu, phạt tù.
Ngược lại, nếu ông ta làm không tròn bổn phận, bị nhiều kêu ca, ông ta sẽ nhanh chóng bị giáng cấp, thuyên chuyển đi nơi khác vất vã hơn. Chỉ vậy thôi!".
Theo TTO