Anh bạn tôi đã ngoại tứ tuần, sinh hoạt cực thiếu điều độ. Hút thuốc nhiều, ăn uống được chăng hay chớ, không vận động, bệnh dạ dày và tiểu đường mài mòn anh ngày qua ngày. Nhưng mọi lời góp ý thay đổi lối sinh hoạt có hại, anh đều gạt đi. Nhìn anh gày gò vàng vọt, tôi cũng đành thở dài, tự nhủ qua thăm anh nhiều hơn vì chẳng biết còn thấy nhau được bao lâu nữa.
Trước Tết, anh đột nhiên biến mất, không thể liên lạc được trong 2 tuần. Rồi hôm trước, cũng đột nhiên như vậy, anh gọi tôi đến uống trà.
Lần gặp này, dáng vẻ của anh còn đáng sợ hơn trước nhiều. Mặt sưng phù, chân tay run rẩy, ánh mắt lạc thần, nói không ra hơi.
- Em có tin chuyện vong nhập không? – Anh phều phao hỏi.
- Nếu đấy chính là chuyện anh trải qua, thì em nghe đây.
Và anh kể, 2 tuần trước, đột nhiên anh lên cơn co giật, rồi quay sang chửi bới và tấn công người thân một cách mất kiểm soát. Rồi từ đó, cứ vài ngày anh lên cơn một lần, mỗi lần lại là một “vong” khác nhau chiếm quyền kiểm soát tâm trí và cơ thể anh. Gia đinh làm đủ các loại lễ bái, cứ nguôi được đôi ba ngày thì “cơn” lại lên. Cho đến lúc tôi viết lại chuyện này, anh bạn tôi đã bình ổn được hơn 1 tuần, tức là không tái diễn tình trạng bị “vong nhập” nữa. Nhưng sức khỏe lẫn tinh thần anh đều khá tồi tệ. Anh sợ.
Một người bạn khác, cũng dịp Tết này đột nhiên đau chân dữ dội, đau từ trong xương, suốt từ đùi đến cổ chân. Sự đau đớn ấy bất thường và đáng sợ, nhưng cô nhất định không đi khám. Cô sợ sẽ phải nhận tin xấu hơn, gia đình cô có người mất vì ung thư – chứng bệnh có tính di truyền. Một cách âm thầm, bền bỉ và tự nhiên, từ nhiều năm qua cô bạn tôi vẫn làm thiện nguyện. Đó là một thói quen tốt cho tâm hồn, nhưng cô gần như không tập thể dục, ít nhất là ở mức tương xứng với lượng calo phong phú được cô nạp vào mỗi ngày.
Tôi nhìn họ, những người bạn thân thiết, nồng hậu và tài năng, cảm thấy thật kỳ lạ rằng họ đang tin vào số phận. Thậm chí vừa phó thác vừa cố gắng tránh né số phận.
Điều đó làm tôi nhớ đến mẹ mình, người tự xem tử vi từ nhiều năm trước và kết luận rằng mình sẽ không sống qua 65 tuổi. Bây giờ bà đã 72, khá khỏe mạnh so với những người cùng tuổi, ít ốm vặt, không có bệnh mạn tính nào nghiêm trọng. Thế là may mắn đấy, bởi vì mẹ tôi rất ít khi tập thể dục, gần như nói không với thuốc tây, dùng dấm táo mèo tự ngâm để điều trị từ viêm họng cho tới huyết áp.
Những chuyện như thế không hiếm. Bạn hẳn đang tự liên hệ với một số người xung quanh mình, và nhận ra điểm trùng hợp: Những con người vừa hết sức chủ động, vừa hết sức bị động với cuộc đời của chính họ.
Trong Kinh Pháp cú (tác phẩm do các đệ tử ghi lại lời Phật dạy), có ghi lại chuyện về một vị trưởng giả tên là Hiếu Thí. Ông này bị bệnh nặng, nhưng nhất định không chịu uống thuốc vì cho rằng mình phụng thờ nhật nguyệt, tận trung với vua, và hiếu kính thân phụ thì bệnh nào cũng khỏi. Không thuốc thang, đó là truyền thống của gia tộc của ông.
Đức Phật giảng giải cho trưởng giả Hiếu Thính rằng: "Con người sống ở thế gian có 3 loại chết oan uổng: Thứ nhất, có bệnh mà không chữa trị nên phải bị chết oan uổng. Thứ hai, tuy được chữa trị nhưng trong quá trình điều trị lại không thận trọng nên phải bị chết oan uổng. Thứ ba, do kiêu mạn, buông lung, tự đại, và chẳng hiểu đạo lý nên phải bị chết oan uổng. Sức mạnh của nhật nguyệt, thiên địa, tổ tiên, quốc vương, và thân phụ đều chẳng thể trị lành loại bệnh của ông. Ông hãy nên hiểu rõ Đạo lý và tùy theo hoàn cảnh mà thực hành.”
Trưởng giả Hiếu Thính nghe lời, mời lương y đến chữa khỏi bệnh, sau đó đắc thành Chính Quả.
Lời Phật dạy, chính là đức hiếu sinh. Muốn tôn trọng sự sống của mọi loài, trước tiên phải trân quý cuộc sống của chính mình. Dù tin vào tôn giáo nào, phép nhiệm mầu nào, hay sống đạo đức đến đâu, thì có bệnh mà không chữa hay có chữa nhưng không chu đáo thì đều có thể hại thân.
Tôi nghe anh bạn kể hết những trận bị “vong nhập”, rồi nói với anh rằng những chuyện đó cũng hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học, tâm lý học. Nhưng điều quan trọng không phải giờ nên nhìn chuyện đó từ góc độ tâm linh hay khoa học, mà là chính anh phải muốn sống, phải yêu lấy bản thân và cuộc đời của mình. Nên tôi chúc anh sức khỏe, và dặn anh mỗi ngày thức dậy, hãy khởi lên một niệm cầu sinh – một mong cầu được sống, ngay trong thực tại, ngay trong kiếp này.