Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10/2021, tình hình dịch COVID-19 tại nhiều địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực.
Nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quy định nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Thép cán tăng 37,3%; sắt thép thô tăng 11,4%; đồng hồ thông minh tăng 23,7%; linh kiện điện thoại tăng 38,8%; ô tô tăng 12,4%; khí hóa lỏng LPG tăng 14,1%; xăng dầu các loại tăng 15,5%.
Ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước gồm: Ti vi các loại giảm 40,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 18,6%; dầu thô khai thác giảm 6,9%; đường kính giảm 9,6%; bia các loại giảm 10%.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 đã dần hồi phục, nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.
Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.
Bộ Công Thương nhận định, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.
Về các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, cần tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất gây khó khăn cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước, thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ. Trong dài hạn cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...