Ngày 4/11, tại Hà Nội, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Nhóm tư vấn Chính sách và Luật về môi trường e-Policy (e-Policy) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Tọa đàm nhằm thảo luận và làm rõ hơn một số nội dung còn nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt.
Các đại biểu thảo luận các chủ đề: Tỷ lệ tái chế bắt buộc; văn phòng EPR và Hội đồng EPR; quản lý và sử dụng nguồn thu vào Quỹ Bảo vệ môi trường; vai trò của các tổ chức môi trường và xã hội ngoài nhà nước trong cơ chế EPR.
Ông Nguyễn Thi, Thư ký Tổ công tác EPR (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay, việc thu gom tái chế chủ yếu do công ty môi trường đô thị của các tỉnh, một số công ty tái chế và khối tư nhân tự phát thực hiện. Do vậy, các bên liên quan cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế theo quy hoạch để đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống EPR; trong đó tạo điều kiện để phát triển cơ sở tái chế hiện đại, quy mô tập trung.
Ông Nguyễn Thi cũng nêu cụ thể một số vấn đề đặt ra trong quy định chi tiết Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm: Xác định danh mục sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom tái chế; xác định tỷ lệ tái chế đối với từng chủng loại sản phẩm, hàng hóa và lộ trình áp dụng; xác định mức đóng góp kinh phí của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; xác định quy chuẩn tái chế đối với từng loại bao bì, sản phẩm sau sử dụng; cơ chế đăng ký, quản lý cơ sở dữ liệu; cơ chế tín chỉ tái chế...
Đối với danh mục sản phẩm, bao bì thuộc diện phải tái chế: Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ đã xác định tương đối đầy đủ các sản phẩm thuộc diện phải thu hồi, tái chế; tuy nhiên đến nay chưa được thực hiện do chưa có đủ cơ chế.
Một số sản phẩm cần cân nhắc việc đưa vào danh mục như: ô tô, xe máy vì ở nước ta các bộ phận của ô tô, xe máy đều được cải tiến, tận dụng; trong khi đó chưa có cơ chế tài chính để thúc đẩy người sở hữu xe thực hiện việc thu hồi, tái chế. Đối với tỷ lệ tái chế, cần có sự khảo sát kỹ càng, tin cậy về tỷ lệ tái chế trên thực tế ở nước ta để đặt ra tỷ lệ tái chế phù hợp.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lùi lộ trình thực hiện tái chế một số sản phẩm, bao bì sớm nhất từ 1/1/2024 và một số sản phẩm từ 1/1/2025. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế như dự thảo Nghị định hiện nay là phù hợp.
Về lộ trình thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải, tiếp thu kiến nghị của các tổ chức môi trường và đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Tổ biên tập dự thảo Nghị định đề xuất chỉnh lý thời điểm thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải là từ ngày 1/1/2022 theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.