Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo

[Ngày Nay] - Cứ vào mùa hè, hàng triệu trẻ em nghèo ở các nước phát triển lại rơi vào cảnh đói ăn, thực trạng lạ lùng này đã tồn tại từ rất lâu và cho tới năm nay lại càng thêm trầm trọng bởi tác động của dịch COVID-19.
Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo

Sống nhờ bữa ăn học đường

Khi bệnh viện tại thành phố El Mirage (bang Arizona, Mỹ) ngừng các hoạt động chuyên môn để chuyển sang điều trị cho bệnh nhân COVID-19, hộ lý Trudy Lard chỉ còn làm việc 2 ngày một tuần.

“Đây là khoảng thời gian hết sức khó khăn”, bà Trudy Lard (57 tuổi) cho biết. “Tôi đã tự tay nuôi dạy 4 đứa con gái và hiện phải cáng đáng thêm cả cháu ngoại”

Do vẫn còn việc làm, nên bà Trudy không thể nộp đơn xin thất nghiệp và không đủ điều kiện để xin trợ cấp tài chính trong mùa dịch. Khoản tiền lương ít ỏi của bà không đủ chi trả cho các hóa đơn thuê nhà, thực phẩm cho con gái và cháu mình.

Dù phải chi tiêu tằn tiện, nhưng Trudy vẫn phải dành một số tiền ít ỏi để mua giấy và bút màu để cho cháu ngoại mình vẽ vời ở nhà, khi trường học đóng cửa. Bà lo rằng mình không còn đủ khả năng cho cháu mình ăn uống đầy đủ.

Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo ảnh 1

Ở bang Dallas (Mỹ), bữa ăn học đường được giao tại các địa điểm khác nhau để phân phát đủ cho các trẻ em nghèo.   Ảnh: NY Times.

Mùa hè luôn là mùa đói ăn với nhiều trẻ em ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Khoảng 30 triệu trẻ em nước này sống dựa vào các bữa sáng và bữa trưa miễn phí hoặc giảm giá tại trường học.


Nhưng khi năm học kết thúc, cũng là lúc các gia đình rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa để lấp đầy cái bụng đói của đám trẻ đang tuổi mới lớn.

Nhằm giảm thiểu áp lực lên các hộ gia đình nghèo, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ban hành chương trình cung cấp bữa ăn trong mùa hè cho trẻ em thông qua việc phân phối thêm thực phẩm tới các trường học, các trung tâm cộng đồng, trại hè hoặc các tủ đựng thức ăn.

Nhưng ngay cả trong những năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát, chỉ có hơn 4 triệu trẻ trên toàn nước Mỹ được hưởng trợ cấp của chương trình, theo báo cáo năm 2019 của Trung tâm Hành động và Nghiên cứu Thực phẩm tại thủ đô Washington.

Các nhà chức trách cho rằng chính dịch bệnh đang khiến sự chênh lệch này thêm trầm trọng, vì nhiều chương trình bữa ăn mùa hè đã phải ngừng hoạt động hoặc thay đổi đáng kể phạm vi hoạt động.

Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang hết sức đau đầu khi không thể cân đối ngân sách cho các chương trình hỗ trợ tài chính và thực phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh và tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Một điều đáng lo hơn nữa là tâm lý kỳ thị đối với các gia đình không có khả năng nuôi con trong mùa hè.

“Nhiều người cảm thấy e dè khi nộp đơn xin trợ cấp thực phẩm chỉ vì họ sợ bị đánh giá về khả năng làm cha mẹ”, theo ông Parker Gilkesson, nhà phân tích chính sách của Trung tâm Luật pháp và Chính sách xã hội ở Washington. “Tuy nhiên, điều này hoàn toàn xảy ra. Có nhiều người khăng khăng với tôi rằng họ không phải kiểu người sẵn sàng ngửa tay xin trợ cấp”.

Kể từ giữa tháng 3, nạn đói ở trẻ em Mỹ đã tăng lên gấp ba lần so với báo cáo trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với gần 1/5 hộ gia đình có con từ 12 tuổi trở xuống đang không đủ ăn, theo một cuộc khảo sát của Viện Brookings vào tháng 5.

Người hùng của trẻ em Vương quốc Anh

Tương tự như nước Mỹ, chính phủ Vương quốc Anh trong nhiều năm qua đã áp dụng chương trình bữa ăn học đường miễn phí cho hàng triệu trẻ em nghèo. Thế nhưng cứ vào mỗi mùa hè, khi trường học đóng cửa, nhiều trẻ ngay lập tức rơi vào cảnh đói ăn.

Tệ hơn nữa, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và khiến hơn 45.000 người tại Anh tử vong. Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố dừng chi trả các suất ăn trị giá 15 bảng một tuần, điều này ngay lập tức đặt gánh nặng lên vai các tổ chức từ thiện để nuôi hàng triệu “miệng ăn”.

“Khi nghe về việc các trường học đóng cửa, điều đầu tiên mà tôi lo nhất cho lũ trẻ là thức ăn, sau đó mới là kiến thức”, Katie Barry - giáo viên tại Trường tiểu học Cộng đồng St. George, ở hạt Lincolnshire, cho biết. “Tôi cảm thấy thật tệ khi nói điều đó, nhưng chúng tôi biết rằng không có thức ăn sẽ là vấn đề lớn nhất đối với các gia đình. Điều này vốn đã tồn tại suốt nhiều mùa hè, chứ không riêng năm nay.”

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục Vương quốc Anh tuyên bố họ đã lên kế hoạch thiết lập một hệ thống tem phiếu điện tử để các gia đình có thể mua thực phẩm tại siêu thị.

Nhưng việc triển khai chương trình này gặp không ít khó khăn. Một số gia đình đã chờ đợi hàng tuần để nhận được tem phiếu, một số không thể sử dụng trong các siêu thị.

Gần 2.500 trẻ em tại Vương quốc Anh đã phải nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng trong 6 tháng đầu năm - gấp đôi số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ 150 bệnh viện trên toàn quốc, có hơn 11.500 trẻ đã nhập viện vì suy dinh dưỡng từ năm 2015.

Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo ảnh 2
Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo ảnh 3

Một giáo viên thu thập đồ ăn từ một ngân hàng thực phẩm địa phương ở Northampton, Vương quốc Anh để phân phát cho học sinh. Ảnh: Getty Images.

Trước tình cảnh nan giải này, một nhân vật đã đứng lên kêu gọi và đấu tranh cho quyền lợi của hơn 1 triệu trẻ em trên toàn Vương quốc Anh, đó là cầu thủ Marcus Rashford.

Trong bức thư gửi tới Thủ tướng Boris Johnson, tuyển thủ nước Anh đề nghị các nhà chức trách tiếp tục cung cấp bữa ăn miễn phí cho trẻ em thuộc hộ nghèo trong thời gian dịch bệnh cũng như nghỉ hè.  “Tôi đề nghị các ngài lắng nghe lời cầu xin của lũ trẻ và cho thấy lòng trắc ẩn của mình. Xin vui lòng xem xét lại quyết định hủy bỏ chương trình cung cấp thực phẩm trong kỳ nghỉ hè và gia hạn nó”, cầu thủ 22 tuổi khẩn thiết đề nghị.

“Là một người trưởng thành từ một gia đình có thu nhập thấp ở Wythenshawe, Manchester, tôi hiểu những gì mà các gia đình đang trải qua bây giờ, bởi chính tôi đã từng phải trải qua tình cảnh này trước đó - và rất khó để tìm ra lối thoát. Tôi rất muốn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn”, Rashford viết.

Trước những áp lực từ dư luận, chính quyền Johnson đã tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp chương trình bữa ăn học đường miễn phí trong suốt mùa hè và thành lập “quỹ thực phẩm mùa hè COVID-19” trị giá 120 triệu bảng cho 1,3 triệu học sinh.

Khi được hỏi liệu tâm thư của Rashford có giúp thay đổi suy nghĩ của Thủ tướng Johnson hay không, người phát ngôn của ông nói: “Thủ tướng hoan nghênh Marcus Rashford, người đã đóng góp cho cuộc tranh luận về nghèo đói, cũng như tôn trọng việc anh ấy sử dụng danh tiếng của mình để đấu tranh cho các vấn đề quan trọng”.

Lỗ hổng bất bình đẳng tại Mỹ

Kể từ tháng 6, gần 14 triệu trẻ em trên toàn nước Mỹ sẽ rơi vào cảnh thiếu ăn do tình trạng thất nghiệp và trường học đóng cửa, theo một cuộc khảo sát của Viện Brookings. Con số này lớn hơn nhiều so với 10 triệu trẻ vào năm 2018 và gấp 3 lần so với thời kỳ Đại suy thoái vào thế kỷ trước.

Cuộc khủng hoảng lương thực này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu suy giảm, bởi tình hình dịch bệnh tại nước Mỹ đang bùng phát trầm trọng hơn và do đó chưa có trường học nào được phép mở cửa.

“Tình hình đang hết sức tồi tệ”, nhà kinh tế Lauren Bauer từ Viện Brookings, nói. “Tại các hộ gia đình nghèo, nhiều bố mẹ đã phải nhịn ăn để dành cho con. Đó là tác động rõ nhất của cuộc khủng hoảng này, hầu hết các gia đình đã không còn đủ khả năng tự nuôi mình”.

Khoảng 16,9% hộ gia đình khi được khảo sát cho biết con cái họ đang lâm vào cảnh thiếu ăn do nhà trường đóng cửa. Đáng chú ý, trong số này thì các hộ gia đình người da đen và Latinh chiếm hơn một nửa, điều này cho thấy dịch bệnh đang bóp nghẹt cuộc sống của người da màu tại nước Mỹ.

“Ngay cả những phụ huynh dù không rơi vào cảnh thất nghiệp cũng đang hết sức khó khăn. Thông thường họ chỉ phải lo bữa tối cho con cái, nhưng trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc các bữa ăn miễn phí cũng biến mất”, bà Bauer cho biết. “Không chỉ năm nay, mà mọi năm tình trạng thiếu ăn ở trẻ luôn tăng cao vào mùa hè”.

Nhiều người đang mong ngóng kỳ học mùa thu để con cái họ sớm được đi học, nhưng điều này không có nghĩa là cuộc sống sẽ quay trở lại như trước. Thành phố New York mới đây đã ban hành quy định mỗi trẻ sẽ chỉ phải đi học 3 ngày một tuần để tránh lây lan dịch bệnh.

Giá thực phẩm tại Mỹ đang tăng cao, chi phí trung bình tại các cửa hàng tạp hóa đã tăng gần 5% - và 10% cho một số loại thực phẩm như thịt, trứng và sữa - trong năm qua, theo dữ liệu liên bang.

Nhu cầu thực phẩm trong mùa dịch đã gia tăng đột biến khiến các nhà cung cấp không kịp trở tay cho sự biến động này. Việc tăng giá thực phẩm cũng khiến các gia đình có thu nhập thấp khó sống hơn: giá cả không chỉ tăng mà nhiều người cũng không dám xếp hàng để mua đồ giảm giá vì sợ mắc bệnh.

Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo ảnh 4
Mùa hè & nỗi lo bữa ăn cho trẻ em nghèo ảnh 5

Một biện pháp hỗ trợ người dân khác được chính phủ Mỹ áp dụng đó là mở rộng SNAP - Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (phân phối tem, phiếu thực phẩm).

Nhưng việc mở rộng chương trình không thực sự giúp nhiều gia đình được hưởng lợi bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quy định, những hộ đã nhận được khoản trợ cấp - hơn 500 USD cho gia đình 3 người – sẽ không được hưởng thêm hỗ trợ từ SNAP.

“Quy định này ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu trẻ em. Chính quyền Trump về cơ bản đã ngăn các gia đình khốn khó nhất hưởng trợ cấp”, bà Bauer nói. “Động thái này trái ngược hoàn toàn với các hành động được thực hiện ở cấp liên bang trong cuộc Đại suy thoái, khi mọi người dân đều được phát bánh mỳ và súp nóng mỗi ngày”.

Không giống như tại Vương quốc Anh, nơi trẻ em có những người như Marcus Rashford đứng lên để bảo vệ quyền lợi. Tại Mỹ, truyền thông lại tập trung vào câu chuyện của các gia đình trung lưu khá giả về việc họ đang phải vật lộn với con cái ở nhà thay vì ở trường.

“Có một lỗ hổng lớn tại đây, nơi những người như tôi chỉ phải lo việc trông con tại nhà lại liên tục được săn đón bởi truyền thông. Nhưng ít nhất con cái tôi được cho ăn đầy đủ, còn nhiều người thì không”.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.