Nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn khi họ có nhiều lựa chọn hơn, các tiện ích mua sắm cũng “bạt ngàn” hơn vì cánh cửa internet rộng mở.
An toàn sức khỏe “lấn át” mọi tiêu chí
So với 5 năm trước chỉ có thói quen tiện đâu mua đấy, giờ chị Nguyễn Hằng (nhà B1, ngõ 195 Đội Cấn, Hà Nội) đã thay đổi nhu cầu. Tất cả đồ ăn, thưc uống, đồ dùng trong gia đình chị đều mua ở các siêu thị uy tín hay các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn. Lý do khiến chị mở hầu bao chi thêm tiền cho từng mớ rau, con cá, cân thịt là vì: “ngoài không gian mua sắm hiện đại, mát mẻ, vệ sinh và các chương trình, khuyến mãi, siêu thị bày bán rất nhiều các sản phẩm an toàn. Những chương trình cam kết về chất lượng sản phẩm cũng như giá cả hàng hóa hợp lý khiến tôi an tâm vào siêu thị”.
Bên lề diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2017, ông Nguyễn Trần Hưng - Khoa Hệ thống thông tin và thương mại điện tử (Đại học Thương mại) cho rằng: Sau một loạt sự cố về ô nhiễm môi trường biển 2016 và những vụ liên quan đến thực phẩm bẩn bị phanh phui khiến người tiêu dùng phải rùng mình như thịt hôi thối được phù phép đưa ra thị trường bán, nội tạng thối hô biến thành những món ăn khoái khẩu của dân nhậu, dùng dầu nhớt tưới rau muống tại Sài Gòn hay mỡ bẩn, giấm gạo làm từ acid… người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến nguồn gốc các loại thực phẩm. Điều này thúc đẩy hoạt động sử dụng và tiêu thụ những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường của người dân Việt Nam.
“Thực tế đã cho thấy nhu cầu tăng đột biến về các sản phẩm là thực phẩm hữu cơ (Organic food) của nhiều người tiêu dùng Việt Nam chính là minh chứng tốt nhất cho xu hướng tiêu dùng xanh, lựa chọn các sản phẩm sạch, giàu dưỡng chất tự nhiên, không hóa chất và thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới”.
Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định, khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn trở thành nỗi lo thường trực của các bà nội trợ, nhiều người có kinh tế đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Fivi mart, Coop mart…
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc bộ phận nghiên cứu Người tiêu dùng Nielsen Việt Nam cho biết, khuynh hướng tiêu dùng năm 2017 chủ yếu là về vấn đề sức khỏe, về thực phẩm an toàn. Các doanh nghiệp với sản phẩm về thực phẩm sạch lên ngôi và được chú tâm. Đây chính là thách thức và cũng là cơ hội của doanh nghiệp với khách hàng để đưa ra sản phẩm bền vững cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thừa nhận, xu thế mua hàng bây giờ của người tiêu dùng Việt là vấn đề sức khỏe, từ “ăn - mặc - ở” đều cần đảm bảo tốt các tiêu chí an toàn cho sức khỏe. An toàn sức khỏe được đặt lên hàng đầu, nhiều người tiêu dùng đặt trên cả công việc, chi phí sinh hoạt hay thiên tai.
Đây cũng là xu hướng chung trên toàn thế giới. Cách đây 1 năm, Công ty nghiên cứu thị trường Euromoniter đã thực hiện khảo sát thường niên để nắm bắt những thay đổi cơ bản trong lối sống hàng ngày của người tiêu dùng. Kết quả cho thấy, trong 4 xu hướng tiêu dùng chính trong năm 2016, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn thực phẩm, ngày càng thận trọng hơn với những gì mà họ ăn, uống hàng ngày. Mối quan tâm đến các chất phụ gia công nghiệp, sản phẩm biến đổi gen, chất béo và dầu tăng từ năm 2015 đến 2016 chưa có dấu hiệu giảm. Hơn 1/3 người tiêu dùng xem cẩn thận các thành phần ghi trên nhãn thực phẩm, loại bỏ những thành phần mà họ cho là “phải tránh” và chỉ lựa chọn những sản phẩm có thành phần vitamin mà họ tìm kiếm…
Nhất chất lượng, nhì… chữ tín
Mặc dù ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam bấy lâu nay vẫn là việc để dành tiền tiết kiệm, nhưng chi tiêu cho những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống chất lượng hơn như ô tô, đồ gia dụng, thực phẩm chất lượng cao… đang tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây.
Siêu thị đang ngày càng hút khách vì cung cấp hàng đảm bảo |
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mấy năm trở lại đây, nếu các mặt hàng như xe máy, ôtô, mỹ phẩm, điện gia dụng… người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thương hiệu nước ngoài thì đối với các mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, bia rượu, quần áo, sản phẩm vệ sinh nhà cửa… người Việt vẫn trọng sản phẩm xuất xứ Việt. Lý do là nhiều thương hiệu Việt đang dần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, giữ uy tín và nâng cao khâu chăm sóc khách hàng. Chữ tín trở thành điều sống còn của các doanh nghiệp.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng cho biết, hiện có khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam coi trọng chữ tín của các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, người tiêu dùng sẽ “trừng phạt” nặng nề những thương hiệu gặp sự cố về an toàn thực phẩm.
Điều đó còn thể hiện qua tâm lý khi chữ tín bị “đánh cắp”, nhiều bà nội trợ không ngần ngại tẩy chay sản phẩm, chi tiền mạnh tay mua hàng ngoại. Chủ một cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập ngoại trong ngõ 120 phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội khẳng định, hoa quả nhập từ nước ngoài về có các giấy chứng nhận, cấp phép, nơi cung cấp và kiểm dịch rõ ràng lúc nào cũng đắt hàng.
Trong một lần trò chuyện với PV về thị trường tiêu dùng nhanh, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế lâu năm tại Việt Nam khẳng định: “Yếu tố quan trọng thứ nhất là các doanh nghiệp phải coi trọng chất lượng, giữ chữ tín, tránh việc quảng cáo quá sự thật, hoặc những mặt hàng đầu thì tốt, sau đó kém dần đi. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng phát hiện ra những hiện tượng này và sẽ không còn tin dùng vào sản phẩm. Doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt, nếu đánh mất giá trị thương hiệu của sản phẩm thì mất vị thế”. Ông Doanh cũng cho biết, hiện có đến 80% người tiêu dùng trong nước đã tin tưởng chất lượng và ưu tiên chọn mua hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam. Nếu “chẳng may” gặp sự cố, DN nên xử lý công bằng, hợp lý, đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên.
Mạng internet - “giỏ mua sắm” lớn nhất hiện nay
Nhận xét về thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, ông Chaitanya Reddy – Giám đốc nghiên cứu của Công ty TNS Việt Nam từng nhấn mạnh, Việt Nam có lợi thế là dân số khá trẻ và đang nằm trong tuổi lao động (khoảng 2/3 dân số có tuổi trung bình từ 15 - 59). “Với hơn 50% dân số kết nối Internet và khoảng 55% hộ gia đình có Internet đã làm thói quen thay đổi của người tiêu dùng. Theo đó, lượng người mua sắm tại các chợ truyền thống đã giảm xuống rõ rệt, thay vào đó đã có một lượng lớn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để mua sắm”.
Ông Chaitanya Reddy cũng chia sẻ: Với sự lan tỏa và số lượng người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, các tương tác qua mạng xã hội ngày càng phổ biến thì việc người dùng Việt Nam tiến hành giao dịch, mua bán trực tuyến trên mạng xã hội sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Người tiêu dùng Việt Nam luôn có nhu cầu cao để được kết nối vào Internet mọi lúc, mọi nơi, có thể ngồi một chỗ để mua hàng ở bất cứ nơi nào trên toàn quốc và thế giới. Mua sắm ở mọi ngóc ngách, mọi thương hiệu nổi tiếng trên khắp địa cầu. Chúng ta đang bước vào thời đại của “người tiêu dùng quốc tế”.
Một khảo sát của tập đoàn kinh doanh dịch vụ quản lý CBRE vừa công bố cho thấy, mua sắm trực tuyến đã vượt qua mua sắm truyền thống để trở thành hình thức mua sắm phổ biến nhất tại thị trường châu Á. 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến là cách mua phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%). Tại Việt Nam, 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm ít hơn tại cửa hàng thực tế, trong khi 45-50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng thường xuyên hơn trong tương lai. Kết quả đánh giá này dựa trên nghiên cứu khảo sát 1.000 người tiêu dùng Việt Nam từ độ tuổi 18 đến 64, ở hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Mua gì hỏi… Google
Ở Việt Nam, khi cần mua sắm, di động là thiết bị được lựa chọn để sử dụng đầu tiên, đó là vào Google hoặc tìm qua facebook. Trong báo cáo Nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng online Việt Nam năm 2016 cho thấy: 87% người Việt sử dụng Internet hăàng ngày cho mục đích cá nhân; 85% người Việt tìm đến Internet đầu tiên khi tìm kiếm thông tin. 71% người Việt sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm hiểu về sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Hàng Việt được lòng người Việt
Sau 8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Số liệu nghiên cứu của công ty Nielsen cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh và 83% người tiêu dùng tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt khi mua sắm. Cũng theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP, tỷ lệ hàng nội địa có mặt tại các siêu thị đã chiếm từ 80 - 85%.