1. Trên trán tôi có một vết sẹo dài khoảng 3cm. Năm đó tôi khoảng 7 tuổi, dịp Trung Thu được mua cho khẩu súng nhựa. Sướng quá, tôi chạy lao về nhà, tới thềm thì ngã va đầu vào cạnh tường, phải đi viện khâu. Từ đầu đến cuối, khẩu súng nhựa vẫn không rời tay. Bây giờ mỗi khi nhìn thấy cái sẹo trên trán, tôi không nhớ lại sự đau đớn lúc ấy, nhưng lại nhớ như in hình dáng khẩu súng nhựa màu đen, với cái chốt kéo màu đỏ.
Trung Thu với nhiều quốc gia Châu Á là dịp đoàn viên, gia đình quây quần bên nhau cùng nhấm nháp những món ăn đầy bản sắc của nền nông nghiệp lúa nước, ngắm trăng tròn trong thời tiết dễ chịu nhất năm. Ở Việt Nam, Trung Thu là Tết thiếu nhi, trẻ nhỏ ngày xưa vui thích vì được ăn bánh kẹo, hoa quả, được phá cỗ trông trăng, được rước đèn, đeo mặt nạ, xem múa lân… Các tục ấy nay vẫn giữ, nhưng trẻ con không mấy hào hứng với đồ ăn nữa, chúng chỉ thích đồ chơi.
Trung Thu có ý nghĩa đặc biệt với trẻ em |
Ở Hà Nội, từ cuối tháng 7 âm lịch các đồ chơi và bày trí Trung Thu đã được bày bán rôm rả ở phố Hàng Mã. Khách mua sớm là các cơ quan, văn phòng, quán cà phê, nhà hàng khách sạn, để bày trí cho vui mắt (cũng như là mùa Noel thì có cây thông, mà Tết Nguyên Đán thì có cây đào, chậu quất cảnh). Càng sát trung tuần tháng 8, chợ Trung Thu càng nhộn nhịp, lan cả sang mấy phố xung quanh. Cuối tuần có phố đi bộ, người Hà Nội dạo khu chợ Trung Thu đông như trảy hội. Trẻ em được bố mẹ đưa đi chơi cũng nhiều, mà thanh thiếu niên, cả những người trung niên và cao niên cũng không hiếm.
Mỗi gian hàng Trung Thu ở Hàng Mã đều vô cùng bắt mắt, hàng trăm chiếc đèn lồng đủ chủng loại treo từ thấp lên cao, rồi mặt nạ, đầu lân các cỡ, trống cơm trống bỏi, mũ miện kim sa hạt lựu, con giống tò he… đồ chơi cổ truyền có, mà hiện đại cũng rất nhiều, có đèn có nhạc, dừng chân là không muốn rời. Bởi thế, nhiều người đi chơi chợ còn tranh thủ chụp bộ ảnh đẹp. Nhất là thanh thiếu niên mới lớn, trai xinh gái đẹp, có hậu cảnh tuyệt vời như thế cầm lòng sao đặng.
2. Đi chơi, cảnh đẹp đứng chụp ảnh thì rất bình thường, không có gì để nói. Nhưng không phải ai chụp cũng có ý có tứ. Nhiều người cầm đồ người ta bày bán lên tạo dáng, không được 1 lời nhờ vả, thậm chí làm gãy làm hỏng cũng thản nhiên bỏ lại rồi quay đi. Rồi những nhóm bạn dăm bảy người, đứng dàn hàng ngang trước cửa hàng chụp đủ kiểu rất lâu, trong khi người bán hàng thì sốt ruột ngóng khách. Nhất là những tối phố đi bộ hoạt động, người đổ đến hàng vạn, nườm nượp như vậy mà dừng lại chụp ảnh thì tất yếu là tắc đường. Một năm chỉ có vài dịp hàng mã bán chạy, trong khi các loại chi phí để duy trì 1 cửa hàng mặt phố thì cao. Cũng khó trách người ta sốt ruột. Bởi thế, từ vài năm nay tôi thường tranh thủ cho trẻ con đi chợ Trung Thu sớm, để tránh bị người bán lườm nguýt, nói mát mẻ.
Có hàng treo biển thi phí chụp ảnh tới 50.000 đồng |
Nhưng đến như năm nay, hàng loạt người bán hàng ở chợ Trung Thu Hàng Mã – Lương Văn Can treo biển thu tiền khách đứng chụp ảnh, thì sự việc đã trở nên rất buồn. Có lẽ sự ế ẩm khó khăn suốt dịch Covid đã khiến con người ta trở nên hẹp dạ. Thế rồi khi báo chí và người dân phản ánh, thì lực lượng trật tự địa bàn lại phải đi phạt những hộ kinh doanh treo biển thu tiền ấy.
Tôi đã đi nhiều khu phố - chợ như Hàng Mã ở nhiều nơi trên thế giới. Từ những con phố bán đồ cổ ở Bắc Kinh Trung Quốc, đến những khu chợ đá quý sầm uất ở Yangon Myanmar; từ những con phố bán đồ lưu niệm thủ công ngoắt nghoéo ở Madrid Tây Ban Nha, cho đến những chợ toàn sừng động vật, gỗ quý ở Mozambique Phi Châu… Chưa ở đâu, không ở đâu, những người bán hàng lại thu tiền chụp ảnh.
Nói đâu xa, ngay Tp. Hồ Chí Minh, thời điểm này Quận 5 – khu vực tập trung đông đảo người Hoa sinh sống – cũng đang tấp nập khách mua và ngắm. Để chắc chắn, trước khi viết bài này, tôi đã hỏi bạn tôi về chuyến đi chơi chợ Trung Thu của gia đình cô sang Quận 5 vào tối qua. Cô xác nhận là không có ai thu tiền, và cũng chẳng ai tỏ ra khó chịu với việc du khách chỉ ghé chụp ảnh mà không mua.
3. Câu chuyện thu tiền chụp ảnh ở Hàng Mã, để mà nói đúng hay sai thì đều có cái lý của nó, và dù sao thì cơ quan chức năng cũng dẹp bỏ rồi. Chỉ có điều, chắc chắn là nó buồn. Người bán hàng có thể không được treo biển thu tiền chụp ảnh, nhưng chắc chắn không ai ngăn họ xua đuổi, xéo xắt những người khách đứng ở cửa hàng của họ và giơ máy ảnh.
Có những món hàng không chỉ là hàng hoá, chúng chứa đựng cả tuổi thơ.
Có những cái lợi không được ghi trên mệnh giá đồng tiền, mà là những sắc màu tươi đẹp lung linh thẳm sâu tận trong ký ức...
Lực lượng công an phải đi nhắc nhở và dẹp bỏ các biển thu tiền chụp ảnh ở phố Hàng Mã |
Tôi nghĩ đến những đứa trẻ của mình, và thực sự băn khoăn nếu ngày mai đưa chúng ra Hàng Mã, và phải nhận thái độ xua đuổi ấy khi muốn chụp cho chúng vài bức ảnh kỷ niệm. 30 năm trước, vì vui, tôi đã nhận 1 vết sẹo ở đầu. 30 năm sau, không lẽ bọn trẻ của tôi lại phải nhận 1 vết sẹo ở tim, cũng chỉ vì một món đồ chơi Trung Thu nào đó?
Thôi thì, trước khi chụp, tôi sẽ mua 1 món hàng...