Trao đổi với Zing.vn, PGS TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện môi trường ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, thời gian qua rất nhiều ý kiến trái chiều khi nhắc đến vấn đề xử lý rác thải của TP HCM, cụ thể là các nhà máy xử lý rác hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước tốt nhưng cũng có nhiều ý kiến phản biện về các hạn chế của bãi rác lớn nhất TP này.
Toàn cảnh Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM). Ảnh: Anh Tuấn.
Vận chuyển rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến giao thông
“Hiện nay, TP chỉ có duy nhất Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước là bãi rác xử lý toàn bộ rác thải của TP. Tiền đổ vô đó nhiều lắm, nhưng thời gian gần đây giá thành xử lý rác ở đó quá cao, lúc mới đầu tư vào thì chỉ có giá hơn 11 USD/ tấn, bây giờ lên hơn 20 USD/tấn. Nhưng quan trọng ở bãi rác này vẫn còn nhiều hạn chế gây nên mùi hôi ảnh hưởng trực tiếp các khu dân cư lân cận”, PGS.TS Lê Huy Bá nhận định.
Vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu môi trường cũng cho rằng quá trình vận chuyển rác đến Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước cũng gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến giao thông và người dân sống hai bên đường, đặc biệt là quốc lộ 50 qua hai xã Phong Phú, Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM).
“Khu xử lý rác Đa Phước được quảng cáo có công nghệ hiện đại, rất tốt nhưng nhưng thực tế thì chưa tốt, mùi hôi thối nồng nặc vẫn còn nhiều và trực tiếp ảnh hưởng đến các khu dân cư lân cận theo hướng gió”, PGS TS Lê Huy Bá thẳng thắn.
Hàng loạt xe vận chuyển rác đậu trước cổng Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước ngày 23/8. Ảnh: Phước Tuần.
Quy hoạch chưa phù hợp
Nhắc đến câu chuyện mùi hôi nồng nặc từ bãi rác Đa Phước hiện nay, PGS TS Bùi Xuân An (Giảng viên ĐH Hoa Sen) cho rằng bãi rác Đa Phước được quy hoạch chưa thật sự phù hợp.
Bãi rác được đặt ngay đầu hướng gió nên mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư mới phía Đông Nam của thành phố là đều đương nhiên, không tránh khỏi được. Đây là câu chuyện quy hoạch lâu dài của thành phố nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lại.
Cũng nhắc đến câu chuyện quy hoạch, thạc sĩ Nguyễn Đăng Anh Thi, chuyên gia tư vấn năng lượng & môi trường, đặt vấn đề: “Tại sao trong quy hoạch TP muốn phát triển đô thị về phía Đông Nam ở khu Quận 7, Nhà Bè nhưng lại để bãi rác lớn ngay đầu hướng gió biển. Điều này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp khu dân cư ở phía này".
Theo thạc sĩ Thi, theo đường chim bay, từ bãi rác Đa Phước đến các khu đô thị mới ở quận 7, 4, chỉ hơn 10 km, như vậy là rất gần”.
Để giảm mùi hôi nồng nặc, theo quan điểm ông Nguyễn Đăng Anh Thi, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ các nhà đầu tư, phải có những cơ chế, chế tài hoạt động xử lý rác. Không cần mở ra nhiều bãi rác nhưng phải đầu tư công nghệ xử lý rác hiệu quả để giảm thiểu tác động đến môi trường, trong đó bao gồm cả vấn đề kiểm soát ô nhiễm mùi hôi một cách chặt chẽ trong quá trình vận chuyển và xử lý rác.
Vị trí Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước: Nguồn: Google map.
Xem xét lại giá xử lý rác ở Đa Phước
UBND TP HCM vừa giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) về các nội dung liên quan đến hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (tại huyện Bình Chánh, do VWS làm chủ đầu tư).
Trong đó, xem xét lại giá xử lý rác đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở Tài nguyên & Môi trường đàm phán với VWS về giá xử lý khi công ty này tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác so với tình hình hoạt động thực tế hiện nay để có các giải pháp về công nghệ mới, hạn chế chôn lấp.
Theo Zing.vn