"Điểm nóng" Ukraine
Hai nhà ngoại giao hàng đầu đã gặp mặt tại Stockholm hôm 2/12 để thảo luận về những khúc mắc giữa hai bên về vấn đề Ukraine và hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ thứ hai.
Trả lời với báo giới, ông Blinken tuyên bố đã bày tỏ rất rõ "những quan ngại sâu sắc của chúng tôi và quyết tâm của chúng tôi đó là buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình, bao gồm cả cam kết làm việc với các đồng minh châu Âu để áp đặt những cái giá và hậu quả nghiêm trọng đối với Nga nếu nước này có hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine”.
"Giờ đây, Nga phải giảm leo thang căng thẳng bằng cách đưa các lực lượng quân đội trở lại vị trí bình thường trong thời bình và hạn chế gây bất ổn cho Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Về phần mình, Sergei Lavrov cho biết chính quyền Moscow đã sẵn sàng đối thoại với phía Kyiv. "Chúng tôi, như Tổng thống Putin đã tuyên bố, không muốn có bất kỳ xung đột nào", Ngoại trưởng Nga nói.
Ukraine khẳng định Nga đã điều động hơn 90.000 binh sĩ tới khu vực biên giới chung giữa hai nước. Nga đã bác bỏ những cáo buộc rằng nước này đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quốc gia láng giềng.
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Nga luôn coi tham vọng gia nhập NATO của các nước láng giềng, đặc biệt là Ukraine, là một mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Chính quyền Moscow đã đặt ra những ràng buộc về mặt pháp lý đối với các nước phương Tây rằng khối quân sự NATO sẽ không thừa nhận Ukraine là thành viên hoặc triển khai các hệ thống tên lửa nhắm vào Nga.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo mình được lắng nghe, vấn đề an ninh của chúng tôi luôn là ưu tiên hàng đầu", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại Stockholm. "Vì vậy, nếu NATO vẫn từ chối thảo luận về chủ đề này, tất nhiên chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng vấn đề an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác."
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ
Phía Nga đã nói về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden trong nhiều tuần. Lần gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Geneva vào tháng 6, chưa đầy 2 tháng sau khi Nga rút một phần trong số 10.000 binh sĩ đồn trú tại biên giới phía nam.
"Tôi nghĩ có khả năng các tổng thống sẽ nói chuyện trực tiếp trong tương lai gần", Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.
Phía Mỹ đã từ chối nói rõ về các biện pháp trừng phạt kinh tế nào nếu Nga xâm lược nước láng giềng, chỉ nói rằng "Moscow biết rất rõ những gì có thể xảy ra."
Nga đã phải chịu đựng nhiều đợt trừng phạt quốc tế kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Nhưng các chính phủ phương Tây hiện có một đòn bẩy đàm phán mới, vì Moscow đang chờ sự chấp thuận của chính phủ Đức để bắt đầu bơm khí đốt thông qua một đường ống trị giá 11 tỷ USD mới được xây dựng dưới Biển Baltic.
Ông Blinken cho biết cả Moscow và Kyiv nên thực hiện các nghĩa vụ của mình theo tiến trình hòa bình Minsk, vốn được thiết kế để chấm dứt cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ Ukraine.
"Washington sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, nhưng nếu Nga quyết định chọn đối đầu, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng", ông Blinken cảnh báo.
Hôm thứ Năm, Điện Kremlin cho biết khả năng xảy ra một cuộc xung đột mới ở miền Đông Ukraine vẫn còn cao và chính quyền Moscow lo ngại trước những lời hùng biện "gây hấn" từ Kyiv và sự gia tăng những hành động khiêu khích.
Kyiv đã phủ nhận mọi ý định cố gắng giành lại các khu vực miền Đông bằng vũ lực, cáo buộc Nga tung ra luận điệu vô nghĩa nhằm che đậy cho những ý định gây hấn của mình.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine cho biết Kyiv đã ngăn chặn một âm mưu đảo chính do Nga hậu thuẫn, Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin này.