Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, có 1.249 ca mắc bệnh sởi đã được ghi nhận ở Mỹ kể từ 1/1 đến 4/10. Trong đó, có tới 75% số ca mắc bệnh được ghi nhận ở tiểu bang New York.
Nước Mỹ đã được công nhận xóa dịch sởi vào năm 2000. Tuy nhiên, việc công nhận này sẽ hết hiệu lực nếu như xuất hiện trở lại một đợt bùng phát kéo dài trên 12 tháng.
Ngày 3/10, giới chức y tế New York đã tuyên bố chấm dứt dịch sởi kéo dài gần một năm tại tiểu bang này – đây cũng là vùng bùng phát dịch sởi chủ yếu ở Mỹ. Chính vì tuyên bố này nên tình trạng “xóa dịch sởi” vẫn có hiệu lực tại Mỹ.
Giới chức y tế tiểu bang New York cho biết, họ đã tiến hành tiêm gần 85.000 mũi vắc-xin phòng sởi – quai bị - rubella kể từ tháng 10/2018 tại 3 quận – nơi bùng phát dịch bệnh, tăng 75% so với một năm trước đó.
Theo Bộ trưởng Y tế và dịch vụ con người của Mỹ Alex Azar, dịch sởi là loại dịch bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa được và việc để bùng phát trở lại dịch bệnh này là điều rất đáng tiếc, do nhiều bậc phụ huynh đã từ chối đưa trẻ đi tiêm phòng.
Thực trạng này không chỉ có ở Mỹ, mà trên thế giới cũng chứng kiến các ca mắc sởi gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019, lên mức cao nhất kể từ năm 2006. Trong năm 2018, các quốc gia như Anh, Hy Lạp, Venezuela và Brazil đã phải tuyên bố dịch quy trở lại. Số ca mắc sởi gia tăng khi phong trào bài vắc-xin lan rộng trên toàn thế giới, chủ yếu vì những thông tin sai lệch cho rằng vaccine MMR phòng sởi, quai bị và rubella gây nguy cơ tự kỷ ở trẻ em.
Sởi là bệnh do virus gây ra, có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, gây di chứng lâu dài và có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.