Sau khi so sánh các chu trình giặt khác nhau của máy giặt, các nhà nghiên cứu từ Vương quốc Anh phát hiện ra rằng, yếu tố chính trong việc giải phóng hạt vi nhựa khỏi quần áo là do lượng nước chứ không phải mức độ khuấy trộn của quần áo của máy giặt. Càng sử dụng nhiều nước, hạt nhựa càng được kéo ra khỏi vải.
Nghiên cứu trước đây đã đề xuất tốc độ của trống quay, số lần nó thay đổi hướng quay trong một chu kỳ và thời gian tạm dừng trong chu kỳ - tất cả được gọi là khuấy trộn máy - là yếu tố quan trọng nhất trong lượng hạt vi nhựa được giải phóng.
"Nhưng chúng tôi đã chỉ ra ở đây rằng ngay cả khi mức độ khuấy trộn giảm, việc phát tán sợi vi nhựa vẫn là lớn nhất với tỷ lệ thể tích nước trên vải cao hơn”, Max Kelly, nghiên cứu sinh của Đại học Newcastle, người đứng đầu nghiên cứu nói.
"Điều này là do khối lượng nước lớn được sử dụng trong một chu kỳ giặt mềm mại (delicate) vốn để bảo vệ quần áo nhạy cảm khỏi bị hư hại, thực sự làm mất nhiều sợi hơn từ vật liệu vải".
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy tẩy rửa Tergotometer, là một thiết bị để trên cùng mặt phẳng gồm tám bình rửa nhỏ và thường được sử dụng để kiểm tra chất tẩy rửa.
Họ đã kiểm tra sự khác biệt về lượng nước, tốc độ quay, nhiệt độ và thời gian để tính toán lượng vi sợi được giải phóng.
Để chứng minh lý thuyết của mình, sau đó họ đã thực hành thí nghiệm về chu trình giặt mềm mại bằng máy giặt tại trung tâm thử nghiệm tại Procter và Gamble, một công ty lớn sở hữu một số nhãn hiệu chất tẩy rửa và tài trợ cho nghiên cứu của ông Kelly.
Cần thay đổi để việc giặt quần áo không gây hại môi trường
Ông Kelly khuyến cáo: "Vải để may quần áo cần bền hơn để giúp giảm lượng sợi được giải phóng trong quá trình giặt". Nghiên cứu cho thấy sau khoảng 5 chu kỳ giặt, lượng vi sợi đã không còn phát tán từ 100% quần áo polyester. Nhưng sau 10 chu kỳ giặt, hỗn hợp bông tổng hợp vẫn tiếp tục phát tán rất nhiều vi sợi.
Ông Kelly cũng hy vọng nghiên cứu này sẽ tác động đến việc thiết kế máy giặt trong tương lai. "Một số nhà sản xuất máy giặt trong ngành công nghiệp thiết bị đã tuyên bố triển khai các bộ lọc máy giặt giúp thu giữ các sợi này", ông nói.
"Tuy nhiên, để thực hiện điều này sẽ mất nhiều thời gian, trong khi tất cả chúng ta có thể thực hiện các thay đổi nhỏ, hàng ngày ngay lập tức để giúp giảm tác động đến môi trường".
Ông Kelly khuyên người sử dụng máy giặt nên gom quần áo bẩn chờ cho đến khi bạn có một khối lượng quần áo đủ đầy máy giặt rồi mới bấm máy giặt quần áo.
"Điều này sẽ ngăn chặn quá nhiều nước vào máy giặt khiến cho các vi sợi được giải phóng khỏi quần áo. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều nước và năng lượng", ông nói.
"Mọi người trên khắp thế giới sẽ có máy giặt và chu trình khác nhau. Cách giặt tốt nhất sẽ là một chu trình mà người tiêu dùng bỏ đầy quần áo vào máy và sử dụng lượng nước nhỏ hơn".
Mặt khác, các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên phơi quần áo thay vì sấy khô. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 cho biết sử dụng máy sấy quần áo khiến cho nhiều sợi được giải phóng khỏi quần áo, cụ thể chu trình sấy khô phát tán sợi vải gấp 3,5 lần so với chu trình giặt.
Thay vì phát tán vi sợi nhựa vào môi trường nước, nghiên cứu cho biết việc sử dụng máy sấy sẽ giải phóng các sợi vào không khí.