Đài RT (Nga) dẫn lời ông Chris Hrouda, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Mỹ, cho biết: “Đây là thách thức lớn nhất mà tôi từng chứng kiến trong 30 năm hoạt động”. Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Hội Chữ thập đỏ Mỹ cũng đang phải vật lộn để duy trì đủ nguồn cung. Ông Hrouda nói thêm rằng Hội Chữ thập đỏ - đơn vị cung cấp khoảng 40% lượng máu hiến tặng của Mỹ - hiện đang phải chật vật duy trì lượng máu dữ trữ đủ cho một ngày, con số ít hơn nhiều so lượng máu thường được dự trữ để sử dụng đủ trong 3 ngày.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu máu dự trữ là do những hạn chế về giãn cách xã hội và làm việc từ xa. Nhiều doanh nghiệp và các trường học đã phải hủy bỏ lịch tổ chức hiến máu thông thường của họ. Hơn nữa, trận lốc xoáy lịch sử xảy ra hôm 10/12 đã khiến hàng trăm người bị thương ở khắp các vùng miền trung nước Mỹ, bao gồm Kentucky, làm ảnh hưởng đến kho máu dự trữ vốn đang rất ít ỏi.
Một số bệnh viện cho biết họ buộc phải dự trữ máu cho riêng mình và siết chặt hơn việc cung cấp máu dự trữ. Tiến sĩ Jennifer Andrews, Giám đốc y tế tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, nói với tờ Times rằng bệnh viện của bà đã phải điều chỉnh lại lượng máu truyền cho các bệnh nhân ít hơn để giúp duy trì máu dự trữ.
Máu dự trữ cần được bổ sung liên tục vì các thành phần trong máu có thời hạn sử dụng ngắn. Cũng cần vài ngày để kiểm tra và xử lý máu hiến tặng mới. Nếu nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu - như cho các ca phẫu thuật và các thủ thuật y tế khác nhau, bao gồm một số phương pháp điều trị ung thư - thì bệnh nhân phải được ưu tiên theo nhu cầu quan trọng nhất.
Trang web của Hội Chữ Thập đỏ Mỹ cũng cảnh báo rằng tổ chức từ thiện này đang đối mặt với tình trạng thiếu máu tồi tệ nhất trong hơn một thập niên. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết: “Nguồn cung máu thấp đến mức nguy hiểm đã buộc một số bệnh viện phải hoãn các cuộc phẫu thuật quan trọng cho bệnh nhân, bao gồm cả cấy ghép tạng.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng ở các thành phố lớn của Mỹ cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu dự trữ. Hãng truyền thông PhillyVoice của Philadelphia lưu ý rằng nhiều nạn nhân bị bắn rất cần máu để sống sót. Philadelphia đã ghi nhận số vụ giết người cao kỷ lục trong năm vào tháng 11. Một nhà thờ địa phương cho biết họ sẽ tổ chức hoạt động hiến máu vào ngày 8/1/2022 để giúp đáp ứng nhu cầu cung cấp tại địa phương. Tuy nhiên, PhillyVoice nói rằng tính đến ngày 24/12, chỉ có 6 người đã đăng ký hiến máu, trong khi họ cần có 30 đơn đăng ký để sự kiện không bị hủy bỏ.
Nhà báo Nam California Joelle Zarcone - người mắc chứng rối loạn máu hiếm, khiến cô phải truyền máu hàng chục lần mỗi năm - chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên trong đời cô phải lo lắng về nguồn cung máu sẽ có sẵn khi cuộc hẹn tiếp theo đến hay không. “Không còn chắc chắn rằng có còn máu dự trữ cho các đợt truyền máu tiếp theo của tôi hay không”, cô nói.