Tại triển lãm, 190 tấm mặt chăn (nà pha) nằm trong bộ sưu tập của Công ty Trúc Lâm, trong đó 101 tấm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1195/QĐ-SVHTT ngày 14 tháng 10 năm 2024 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.
Theo đó, bộ sưu tập nà pha được sưu tầm từ những năm 1990 tại vùng người Thái Trắng, nhóm Tày Mường, thuộc miền tây tỉnh Nghệ An. Những tấm nà pha không chỉ là vỏ chăn, món hồi môn cho cô dâu mà còn được sử dụng để trang trí, giữ ấm cho trẻ em trong mùa đông. Qua kỹ thuật dệt thêu tinh xảo, các tấm nà pha phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái, đặc biệt là nét đẹp thẩm mỹ thông qua hoa văn tinh tế và cách phối màu hài hòa từ các nguyên liệu tự nhiên.
Mô hình công tư giữa Bảo tàng Dân tộc học và Công ty Trúc Lâm mang đến hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản |
TS. Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học, nhận xét: “Bộ sưu tập được đánh giá là một di sản quý hiếm, mang giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc. Sự hợp tác giữa Bảo tàng Dân tộc học và Công ty Trúc Lâm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một mô hình công tư cần được khuyến khích. Chúng tôi hy vọng, thông qua sự kiện này, công chúng sẽ thêm yêu quý và nhận thức rõ hơn về việc gìn giữ các giá trị văn hóa của người Thái và các dân tộc khác.”
Bộ sưu tập nà pha trưng bày lần này chủ yếu có khổ rộng 40 cm, được dệt bằng sợi tơ tằm và trang trí hoa văn theo bốn chủ đề chính: động vật, thực vật, đồ vật và các hiện tượng tự nhiên. Những hoa văn được sắp xếp theo chiều ngang, tạo thành dải đối xứng hoặc xen kẽ. Các loài động vật trên cạn và dưới nước, như hươu, nai, voi, ngựa, chim công, và đặc biệt là rồng nước, là những hình ảnh xuất hiện thường xuyên. Mỗi loài động vật đều mang ý nghĩa biểu tượng riêng, chẳng hạn, rồng tượng trưng cho sức mạnh, voi đại diện cho lòng trung thành, còn ngựa tượng trưng cho sự tự do.
Các tấm nà pha trở thành kho lưu giữ thế giới quan của đồng bào Thái ở Nghệ An. |
Bên cạnh đó, hoa văn hình thực vật cũng được thể hiện qua các loài hoa, quả rừng, lá cau, đót dừa, hay rau dớn. Các họa tiết này thường nhỏ, mang tính trang trí và điểm xuyết cho tấm mặt chăn, trong khi trên chân váy, chúng thường đóng vai trò chính và nổi bật. Mỗi hoa văn thực vật cũng mang ý nghĩa biểu tượng riêng, chẳng hạn, hình đót dừa tượng trưng cho sự định cư, còn quả trám gợi nhắc về những loại quả đã cứu người khỏi nạn đói.
Với niên đại từ 30 đến 90 năm, bộ sưu tập này là minh chứng cho giá trị văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ của người Thái Nghệ An. TS. Vi Văn An, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhận xét rằng nghề dệt vải của người Thái không chỉ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt mà còn phản ánh vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Nghề dệt là thước đo phẩm hạnh của phụ nữ Thái, từ việc nuôi tằm ươm tơ đến dệt vải, thêu thùa. Những tấm nà pha có hoa văn tinh xảo, sử dụng sợi tơ tằm đắt giá, là biểu tượng cho sự giàu có và sự chăm chỉ của gia chủ. Chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện tạo ra những tấm chăn phức tạp và sắc nét như vậy.
Vẻ đẹp của nà pha gây sửng sốt cho công chúng Thủ đô |
Bà Vũ Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủ công Trúc Lâm, chia sẻ rằng mỗi tấm nà pha là một câu chuyện về văn hóa, cuộc sống và tâm hồn của người Thái. Qua triển lãm này, bà mong muốn công chúng có thể cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế trong từng đường nét hoa văn và từ đó thêm trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc.
Triển lãm “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của Người Thái Nghệ An” bắt đầu từ ngày 18/10/2024 - 17/01/2025 là cơ hội để giới thiệu một phần di sản văn hóa quý giá của người Thái tới công chúng, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam.