Theo BBC, dữ liệu từ NASA (Mỹ) và Văn phòng Khí tượng Anh cho thấy nhiệt độ trung bình năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,07 độ C. Cụ thể, nhiệt độ trung bình trên mặt đất và bề mặt đại dương năm qua là 14,82 độ C. Đây là năm thứ 3 liên tiếp các số liệu nhiệt độ đã phá vỡ những kỷ lục của năm trước đó.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao trong khoảng thời gian đầu năm 2016. Nhưng các hoạt động làm tăng khí thải CO2 của con người mới là tác nhân chính khiến nhiệt độ trái đất tiếp tục ấm lên.
Các cơ quan khí tượng bắt đầu đo nhiệt độ trung bình hàng năm từ năm 1880. Nhưng theo Guardian, giới khoa học cho rằng lần cuối cùng trái đất chứng kiến độ nóng như thế này là cách đây 115.000 năm trước. Tương tự, nồng độ CO2 cao như hiện nay chỉ từng xảy ra cách đây 4 triệu năm.
Cụ thể, một bài báo khoa học của James Hansen, cựu chuyên gia khí hậu của NASA, cùng 11 nhà khoa học khác của Mỹ cho rằng nhiệt độ trung bình của năm 2016 cao hơn trước thời kỳ công nghiệp 1,25 độ C, trái đất đang nóng lên với tốc độ 0,18 độ C/thập kỷ.
Tốc độ nóng ấm này khiến nhiệt độ trái đất hiện tại bằng với "giai đoạn gian băng" Eemian đã kết thúc 115.000 năm trước, khi trái đất ít băng đá hơn hiện nay và mực nước biển cao hơn 6 - 9 mét.
Gavin Schmidt, giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của Nasa, dự đoán năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm nóng kỷ lục.