Thực tiễn hiện nay cho thấy, nền kinh tế số tác động mọi mặt vào đời sống xã hội, thay đổi thói quen, hành vi của người tiêu dùng, thay đổi cách thức giải trí, lựa chọn các sản phẩm giải trí, và đa phần các sản phẩm giải trí này cũng dựa trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, thách thức của nền kinh tế số đặt ra nhu cầu phải liên tục đổi mới sáng tạo trong cách thức biểu diễn, thể hiện các sản phẩm nghệ thuật, thậm chí sáng tạo ra những loại hình nghệ thuật mới để thu hút công chúng trong nội dung và hình thức thể hiện cả online và offline.
Việc đầu tư sáng tạo nghệ thuật cần sự tham gia của nhiều bên đặc biệt là nhà đầu tư, người sáng tạo, các nghệ sỹ. Việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ này rất quan trọng nhằm mục đích hạn chế thấp nhất các xung đột có thể phát sinh, tạo môi trường sáng tạo lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật và phổ biến di sản quốc gia.
Từ đó, Hội thảo "Bảo vệ tài sản sáng tạo" được tổ chức với sự tham dự của các khách mời đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA). Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các diễn giả là những người nổi tiếng đến từ lĩnh vực nghệ thuật, công nghệ, luật: đạo diễn Việt Tú, bà Phạm Ngọc Mai Anh – CEO ADT Creative, luật sư Quách Minh Trí (Baker & Mckenzie) và luật sư Phan Cẩm Tú.
Hội thảo cũng thu hút sự tham gia và quan tâm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, nghệ sỹ và sinh viên trong lĩnh vực kinh tế (kinh doanh nghệ thuật), sinh viên lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, cộng đồng marcom.
Tại Hội thảo, các diễn giả sẽ trao đổi về quá trình sáng tạo nghệ thuật, các cách thức ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sáng tạo nghệ thuật.
Ngoài ra, các diễn giả sẽ chia sẻ quan điểm và đưa ra những đánh giá về hậu quả của một môi trường đối xử không công bằng với tài sản trí tuệ. Qua những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các khách mời, diễn giả là các chuyên gia đa ngành và đa lĩnh vực, hội thảo mong muốn chia sẻ thách thức của nền kinh tế số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, các cách thức vượt qua thách thức để sáng tạo và duy trì những sản phẩm chất lượng cao, thu hút công chúng. Từ đó sẽ góp phần tạo động lực cho sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thông qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Quan trọng hơn, thông qua hội thảo này, công chúng và các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ nhận diện các tài sản trí tuệ, các quyền của các bên liên quan trong quan hệ tài sản trí tuệ, định lượng trước các vấn đề về sở hữu trí tuệ có thể phát sinh trong quá trình hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sáng tạo, ngăn ngừa nguy cơ xung đột và nâng cao giá trị các sản phẩm sáng tạo dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ.
Tháng 10 năm 1999, Đại hội đồng WIPO đã thông qua tuyên bố lấy ngày 26 tháng 4 là ngày Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (Công ước Stockholm 1967) bắt đầu có hiệu lực (26/4/1970) - làm Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Day, viết tắt là IP Day) để cổ vũ cho những hoạt động sáng tạo nâng cao chất lượng cuộc sống con người, và đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo hộ cho những giá trị của sáng tạo đó.