Tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp 11, Quốc hội khoá XIII, trước câu hỏi đề nghị cho biết suy nghĩ về quan điểm cho rằng, người tự ứng cử sẽ phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường vì không có sự ràng buộc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đại biểu phải phát biểu đúng ý chí nguyện vọng của dân chứ không phải vào Quốc hội rồi thì muốn nói gì thì nói.
“Đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra thì phải mang ý chí nguyện vọng của nhân dân, nếu nói sai thì dân sẽ có ý kiến ngay. Không ai nói khác ý kiến của dân và đứng trên dân được”, ông Phúc khẳng định.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo
Đánh giá về việc có nhiều văn nghệ sĩ tham gia ứng cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, điều đó tthể hiện các văn nghệ sĩ rất yêu quý Quốc hội, nhưng chuyện ứng cử vào đại biểu Quốc hội lại là chuyện khác.
Đại biểu Quốc hội phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực như lập pháp, kinh tế, xã hội... để có năng lực tham gia vào các dự án luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để đi giám sát, tiếp xúc cử tri...
“Đại biểu nào mà có năng lực như thế thì rất hoan nghênh. Nếu chỉ hát không thôi thì vào làm ĐBQH rất khó còn Quốc hội không có ngăn cản mà đại biểu cứ đủ tiêu chuẩn là ứng cử và nhân dân sẽ lựa chọn", ông Phúc nói.
Trước việc nhiều người tự ứng cử đăng tải thông tin công khai trên mạng xã hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: "Việc chủ động đăng thông tin giới thiệu cá nhân mình trên diễn đàn mạng, trang cá nhân là quyền của họ. Còn khi đi vận động bầu cử phải đúng luật”
Cũng theo ông Phúc, hiện mới qua giai đoạn hiệp thương lần 2, tức chỉ là danh sách sơ bộ, rồi sau đó mới chuyển hồ sơ về lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Đến vòng hiệp thương 3, chính thức chốt danh sách, lúc đó mới có chương trình vận động bầu cử.
“Vận động bầu cử phải đúng quy định, có tổ chức hướng dẫn, giám sát", ông Phúc nói thêm.
Theo VOV