Theo báo Dân trí, chị Nguyễn Thị H (SN 1977), trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) trình bày: Vào giữa buổi chiều hôm thứ 6 (18/3/2016), chị thấy con trai là Phạm Huy H. được các bạn trong lớp dìu về nhà với quần áo lấm lem, đũng quần bị ướt.
Sau khi hỏi chuyện, được biết, con trai chị bị thầy hiệu trưởng (ông Nguyễn Đình Đài, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Thọ) đánh, sợ quá nên tiểu cả ra quần và được các bạn dìu về nhà thay đồ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thầy Nguyễn Đình Đài có giải thích rằng: Chiều 18/3 nhà trường lắp thiết bị điện trong phòng. Vì đang thi công nên khu vực này cấm học sinh vào để đảm bảo an toàn. Khi thấy một số em đến gần, thầy đã đuổi đi. Một lúc sau thấy H chạy vào nên thầy Đài túm cổ áo lại. Do sợ hãi, H “tè” ra cả quần, chạy về nhà. Hết giờ làm việc, thầy Đài đến gia đình xin lỗi vì làm ảnh hưởng đến tâm lý em.
Chị H cùng con trai. Ảnh: ANTĐ
Vậy nếu xét trong hoàn cảnh thực tế, đối chiếu với những lời giải thích, trình bày của cả “hai bên” thì việc thầy hiệu trưởng nóng giận, tát học trò là không hề sai. Thậm chí, nếu phải rạch ròi ai sai – ai đúng thì chị H (phụ huynh học sinh) mới là người “có vấn đề”.
Bởi để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em, nhà trường đã thông báo cấm học sinh đi lại, vui chơi tại các khu vực đang thi công, sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện. Vậy mà các em học sinh này vẫn “bỏ ngoài tai”, nô đùa, đuổi nhau trong “khu vực nguy hiểm”.
Đấy là không kể sau khi đã bị thầy hiệu trưởng nhắc nhở, các em vẫn không chịu nghe lời và tái phạm. Điều đó mới dẫn đến hành động đáng tiếc của thầy.
Lật ngược vấn đề, nếu như người thầy đó không có biện pháp “xử lý mạnh” thì liệu các em học sinh có nhớ được đó là công trường - nơi tuyệt đối không được đến gần để nô nghịch không? Hay bản chất vô tư, tò mò của tuổi “nhất quỷ nhì ma” lại càng thôi thúc các em “bén bảng” đến những nơi đầy hiểm nguy như thế?
Nhìn vào thực tế, hàng năm có rất nhiều tai nạn học đường thương tâm xảy ra trên khắp cả nước cũng chỉ vì giáo viên không sát sao quản lý, nhắc nhở học sinh. Đơn cử như năm 2014, một học sinh lớp 7 (Trường THCS An Nhơn, TP.HCM) đã ngã và tử vong vì chơi đùa với các bạn mà trượt cầu thang xuống tầng dưới.
Chắc hẳn, lúc đó bậc làm cha làm mẹ rất “bất bình” với các thầy cô vì đã “trăm sự nhờ thầy” rồi vậy mà không nỡ “nhắc nhở” con em mình, để xảy ra sự việc thương tâm như vậy.
Thế mới thấy giờ làm giáo viên khổ làm sao! Lúc nào cũng bị đặt trong thế tiến thoái lưỡng nan. Bỏ qua hoặc nhắc nhở nhẹ thì bị cho là “thờ ơ”. Cho roi cho vọt, cho đòn đau nhớ đời thì phụ huynh lại “nổi đóa”, trách móc, kiện tụng...
Chẳng biết khi đã “bình tâm” hơn thì chị H sẽ chọn gì? Những hiểm họa đe dọa tính mạng của con hay là hai cái tát của thầy giáo?
Câu trả lời có lẽ phải bỏ ngỏ vì giờ đây chị đang tất bật chuẩn bị cho buổi xin lỗi công khai từ phía thầy hiệu trưởng và nhà trường.
Còn tôi, nếu tôi là chị, tôi sẽ chọn hai cái tát của thầy!
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả