Trước đó, Tổng thống Pháp Macron đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo l'Opinion ở Paris, trong đó ông chỉ trích sự cô lập của Điện Kremlin sau khi khởi xướng chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
"Nga trên thực tế đã bắt đầu một hình thức chư hầu hóa với Trung Quốc và đã mất quyền tiếp cận vùng Baltic vốn rất quan trọng đối với nước này vì nó đã dẫn đến quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan", ông Macron khẳng định. "Điều này là không thể tưởng tượng hai năm trước đây".
Bình luận của ông Macron dường như tập trung vào các cuộc đàm phán ở Moscow vào tháng 3 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung, hai nhà lãnh đạo cho biết họ đang làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược bằng cách bước vào "kỷ nguyên mới" của quan hệ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quan hệ của Nga với Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược và không liên quan gì đến sự phụ thuộc.
Gay gắt hơn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết chính quyền Paris đã trở nên bận tâm với mối quan hệ được củng cố của Moscow với Bắc Kinh và những thay đổi ngụ ý đối với trật tự thế giới.
“Phương Tây nhìn chung có vẻ lo sợ về việc hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa phương thực sự, một hệ thống bao gồm một số trung tâm độc lập riêng biệt, đặc biệt là Nga và Trung Quốc", ông Grushko viết trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga. "Trong bối cảnh thế giới đang phát triển này, không thể tránh khỏi việc ông Macron, cùng với các nhà lãnh đạo khác ở phương Tây, sẽ phải chấp nhận thực tế về mối quan hệ mạnh mẽ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa Moscow và Bắc Kinh".