Nga gây dựng vị thế cường quốc tại Ấn Độ Dương

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hoạt động sôi nổi gần đây của Nga ở Ấn Độ Dương phản ánh mong muốn được coi là một cường quốc ngang bằng chứ không phải là một “cường quốc đang suy yếu”, mặc dù việc nước này tiếp cận các nước Nam bán cầu ngay cạnh Ấn Độ có thể đặt ra thách thức đối với chính quyền New Delhi.
Nga gây dựng vị thế cường quốc tại Ấn Độ Dương

Tháng trước, Nga đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên với Myanmar và cho tàu chiến cập cảng Bangladesh lần đầu tiên sau 5 thập kỷ, đây đều là một phần của động thái được nhiều người coi là nỗ lực nhằm tăng cường vai trò của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương.

Nhưng các nhà quan sát cảnh báo các hành động này có thể “làm phức tạp bối cảnh địa chính trị” và khuấy động tình hình an ninh khu vực, vốn đã đầy rẫy các cuộc cạnh tranh của những "gã khổng lồ" như Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc tập trận hải quân từ ngày 7 đến ngày 9/11 trên biển Andaman được Bộ Quốc phòng Nga mô tả là “cuộc tập trận hải quân Nga-Myanmar đầu tiên trong lịch sử hiện đại”.

Hai tàu chống ngầm là Đô đốc Tributs và Đô đốc Panteleyev của Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã tham gia cuộc tập trận cùng với một tàu khu trục và tàu hộ tống của hải quân Myanmar.

Vài ngày sau cuộc tập trận, các tàu chiến của Nga đã cập cảng Chittagong của Bangladesh ở Vịnh Bengal, đánh dấu một “cột mốc quan trọng trong quan hệ Nga-Bangladesh”, theo đại sứ quán Nga tại Dhaka.

Richard Rossow, cố vấn cấp cao và chủ tịch nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết những động thái này cho thấy Moscow muốn duy trì “nhận thức” về việc trở thành một cường quốc toàn cầu.

“Khi can dự sâu hơn với Trung Quốc về các vấn đề khu vực, việc có sự hiện diện lực lượng lớn trên toàn cầu sẽ rất quan trọng để Bắc Kinh coi Moscow là một đối tác ngang hàng, chứ không phải là một cường quốc đang mờ nhạt”, ông Rossow chỉ ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước đã ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp “vĩnh cửu” của Bắc Kinh với Moscow và mối quan hệ này đã được cải thiện đều đặn trong những năm gần đây, đặc biệt là về mặt quân sự và ngoại giao.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng mặc dù Trung Quốc có thể vẫn duy trì mối quan hệ thân mật, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ hơn về một nước Nga đang suy yếu.

Như chuyên gia Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu an ninh Trung tâm Stimson, đã viết trong một bài báo đăng trên nền tảng phân tích chính sách đối ngoại War on the Rocks năm ngoái: “Khi Trung Quốc nhìn vào Nga, họ thấy một quốc gia bị giằng xé giữa những tham vọng của cường quốc và năng lực yếu kém.”

“Nga có thể sẽ tăng cường sự hiện diện trên danh nghĩa nhiều lần chỉ để chứng minh rằng họ vẫn có khả năng hỗ trợ các hoạt động quân sự ở xa”, ông Rossow nhận định.

Thách thức tiềm tàng

Trong khi “sự hiện diện khiêm tốn, thỉnh thoảng của Nga” ở Ấn Độ Dương sẽ không có tác động lớn đến sự cân bằng an ninh của khu vực, ông Rossow nói rằng việc mở rộng các cuộc tập trận chung của Moscow với Ấn Độ có thể “kích động các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc”.

“Mỹ muốn thấy Ấn Độ giảm bớt hợp tác với Nga hơn nữa, trong khi Trung Quốc không muốn thấy sức mạnh quân sự của Ấn Độ được xây dựng dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Rossow nói.

Tháng trước, Nga đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ ở Vịnh Bengal để giúp hải quân hai nước “cùng chống lại các mối đe dọa toàn cầu và đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển dân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Mỹ trước đó đã lên tiếng quan ngại về cuộc tập trận của Ấn Độ với Nga, trong khi Trung Quốc ngày càng coi Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là sau vụ ẩu đả biên giới giữa quân nhân hai nước ở Thung lũng Galwan vào năm 2020.

Ấn Độ, nước không hướng ứng phong trào cấm vận Nga của các nước phương Tây, đã thận trọng trong việc tạo ra sự cân bằng trong mối quan hệ với Washington và Moscow.

Sankalp Gurjar, phó giáo sư về địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Học viện Giáo dục Đại học Manipal, cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của Nga ở khu vực Ấn Độ Dương khiến chính quyền Delhi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

“Nga là đối tác chiến lược thân thiết của Ấn Độ và do đó, trong những hoàn cảnh bình thường, Ấn Độ sẽ không phản đối sự hiện diện ngày càng mở rộng của Nga”, phó giáo sư Gurjar cho biết. “Tuy nhiên, mối quan hệ chặt chẽ của Nga với Trung Quốc và các cuộc tập trận hải quân thường xuyên ở Ấn Độ Dương, bao gồm cả với Bắc Kinh, cũng mở ra khả năng hợp tác Nga-Trung lớn hơn và có thể đặt ra thách thức cho Ấn Độ”.

Ngoài các cuộc tập trận hải quân chung được tổ chức với Trung Quốc và Nam Phi ở Ấn Độ Dương, Nga còn tiến hành các cuộc tập trận hàng hải ba bên với Trung Quốc và Iran ở Vịnh Oman, khu vực hàng triệu USD dầu từ các quốc gia vùng Vịnh đi qua mỗi ngày trên đường tới Ấn Độ Dương.

Chirayu Thakkar, nghiên cứu sinh tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Nga sẽ “làm phức tạp bối cảnh địa chính trị” nếu nước này tăng cường can dự và hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương.

“Chính quyền Delhi sẽ chỉ hoan nghênh sự hiện diện của Nga ở mức độ không đe dọa hoặc vượt qua lợi ích và ảnh hưởng của nước này”, ông Thakkar nói và lưu ý rằng Ấn Độ phản đối việc Maldives ký hiệp ước quốc phòng với Mỹ.

Là cường quốc trong khu vực, Ấn Độ coi Ấn Độ Dương là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình và mong muốn đạt được vị thế cường quốc trong khu vực bằng cách cung cấp an ninh cho các đối tác trong khu vực.

Chỉ một thập kỷ trước, vào năm 2013, Ấn Độ được cho là đã phản đối dự thảo thỏa thuận về quy chế lực lượng Mỹ-Maldives vì nước này phản đối sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ làm nghiêng cán cân quyền lực trong khu vực.

Nhưng đến năm 2020, nước này đã thay đổi quan điểm, hoan nghênh một hiệp ước quốc phòng được ký kết giữa hai bên như một biện pháp kiểm soát ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Theo phó giáo sư địa chính trị Gurjar, sự hiện diện của Moscow ở Ấn Độ Dương cũng nhằm mục đích chứng minh cho phương Tây thấy rằng nước này không “bị cô lập” mà thay vào đó được các nước ở khu vực Nam bán cầu kém phát triển và đang phát triển hoan nghênh.

Xét cho cùng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar và những lời chỉ trích nhân quyền của Washington đối với Bangladesh đã đẩy các nước này nghiêng về phía Nga, ông Gurjar nói.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự ở Myanamr vào năm 2021, Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chế độ quân sự cầm quyền, từ lệnh cấm vận vũ khí đến lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa có công dụng kép.

Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về sự suy thoái của nền dân chủ ở Bangladesh. Tháng trước, Nga cáo buộc Mỹ đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử ở Bangladesh, dự kiến được tổ chức vào tháng 1 năm 2024.

Ông Gurjar cho biết, Nga cũng đã để mắt đến phía tây Ấn Độ Dương với kế hoạch thực hiện từ năm 2019 nhằm thành lập một căn cứ hải quân ở Sudan trên Biển Đỏ, nơi giao thông hàng hải đi đến châu Âu thông qua Kênh đào Suez.

Moscow và Khartoum vào tháng 2 đã hoàn tất thỏa thuận về một căn cứ với quy mô 300 binh sĩ Nga và 4 tàu - bao gồm cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân - tại cảng chiến lược Sudan.

Tiến độ xây dựng tại căn cứ này được cho là rất phức tạp do cuộc đảo chính năm 2021 ở Sudan và các hoạt động của nhóm lính đánh thuê Wagner trong các cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trước và sau đó.

Phó giáo sư Gurjar cho biết Nga là một phần của quá trình trong đó “sự hiện diện ngày càng tăng của các cường quốc ngoài khu vực đã trở thành một đặc điểm của địa chính trị Ấn Độ Dương”.

Trung Quốc ngày càng thể hiện sự quan tâm trong những năm gần đây và có quan hệ chính trị và ngoại giao lâu dài với nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đại sứ quán ở Sri Lanka, Maldives, Mauritius, Seychelles, Madagascar và Comoros.

Năm 2008, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu triển khai hải quân của mình cho các sứ mệnh chống cướp biển ở Vịnh Aden ngoài khơi Ấn Độ Dương, và vào năm 2014, lần đầu tiên Bắc Kinh đã triển khai các tàu ngầm tới khu vực để hỗ trợ sứ mệnh chống cướp biển.

Đầu tháng này, Diễn đàn khu vực Trung Quốc-Ấn Độ Dương lần thứ hai đã được tổ chức tại thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc, nơi lãnh đạo Kenya, Seychelles, Sri Lanka và Ai Cập thảo luận về việc “xây dựng một cộng đồng hàng hải với tương lai chung”.

Theo SCMP
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.