Truyền thông Mỹ đưa tin lễ trao giải Grammy lần thứ 63 năm 2021 sẽ không được tổ chức vào ngày 31.1 tại Los Angeles như dự kiến mà bị hoãn tới tháng 3 do lo ngại sự lây lan của đại dịch Covid-19 khi số ca mắc cũng như tử vong tại Mỹ tăng cao đột biến trong thời gian gần đây. Ban tổ chức chưa thông báo ngày diễn ra chính thức. Theo kế hoạch ban đầu, lễ trao giải năm nay sẽ diễn ra tại sân vận động Staples ở Los Angeles. Diễn viên hài Trevor Noah sẽ là người dẫn chương trình của lễ trao giải Grammy 2021. Tại mùa giải năm nay, nữ ca sĩ Beyoncé là ứng cử viên hàng đầu với tổng cộng 9 đề cử. Các ca sĩ khác như Taylor Swift, Dua Lipa, Roddy Ricch, Jhené Aiko, Post Malone, Renée Zellweger, Billie Eilish và nhà sản xuất Finneas, anh trai của cô cũng được đề cử. Các ứng cử viên lần đầu tiên được đề cử bao gồm The Strokes, Megan Thee Stallion, Harry Styles và Blue Ivy Carter. Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) cũng ra thông báo lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sẽ bị trì hoãn hai tháng so với kế hoạch ban đầu, và dự kiến diễn ra vào ngày 25.4.2021.
Theo báo cáo của Hội Âm nhạc Anh (UK Music), mùa biểu diễn âm nhạc 2020 hoàn toàn bị virus SARS-CoV-2 “xóa sổ” và thực trạng này có nguy cơ tái diễn trong năm 2021 khi dịch bệnh tại Anh tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện biến thể của SARS-CoV-2 buộc chính phủ nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa cao nhất tại xứ England. Anh hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19, theo đó, ngành âm nhạc trị giá 5,8 tỉ bảng Anh (7,88 tỉ USD) cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các lễ hội âm nhạc mùa Hè - vốn được xem là trụ cột của lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đậm chất văn hóa Anh, mỗi năm thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước tham dự. UK Music lấy ví dụ đơn cử lễ hội âm nhạc Glastonbury nổi tiếng mang lại cho nền kinh tế xứ England khoảng 100 triệu bảng Anh. Lệnh hạn chế tập trung đông người cùng với phong tỏa đường hàng không do dịch Covid-19 đã khiến các lễ hội âm nhạc mùa Hè năm 2020 bị hủy bỏ, ảnh hưởng đến lực lượng trực tiếp tham gia vận hành lễ hội, ước tính khoảng 85.000 người.
Trước tình hình trên, tháng 7.2020, UK Music đã nhận được 250 triệu bảng trong Quỹ phục hồi văn hóa của Anh trị giá 1,6 tỉ bảng để duy trì hoạt động nghệ thuật trong thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên, UK Music cho rằng khoản tiền cứu trợ này như “muối bỏ bể” và tổ chức này đang kêu gọi nhà chức trách công bố thời điểm dự kiến cho phép tổ chức trở lại các lễ hội âm nhạc, đồng thời xây dựng một cơ chế bảo hiểm của chính phủ cho ngành này. Giám đốc điều hành UK Music, Jamie Njoku-Goodwin nhấn mạnh, việc hỗ trợ và giúp ngành âm nhạc trở lại trạng thái bình thường là lợi ích quốc gia. Ông cảnh báo nếu không có sự hỗ trợ và đảm bảo thỏa đáng cho các nhà tổ chức sự kiện, các nghệ sĩ ở thời điểm hiện tại, mùa biểu diễn âm nhạc Hè 2021 có nguy cơ bị hủy.
Covid-19 được xem là đại dịch có tác động tiêu cực đến giới giải trí Hollywood. Thậm chí, ảnh hưởng kinh tế từ dịch bệnh còn nặng nề hơn cả vụ khủng bố vào tòa tháp đôi Mỹ năm 2001, khủng hoảng kinh tế thế giới 2009. Thống kê từ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang sử dụng 892.000 lao động. Mùa dịch, hầu hết nhân viên hoặc chấp nhận làm không công, hoặc nghỉ ngang không quyền lợi. Ngoài ra, những người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, trung tâm giải trí cũng bị nghỉ không lương vô thời hạn, nhiều diễn viên, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật, hậu trường lâm vào cảnh thất nghiệ