20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày mà 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cùng kỷ niệm để hướng tới chất lượng cuộc sống của mỗi người dân ngày càng được cải thiện. Có rất nhiều tiêu chuẩn được đưa ra, để định nghĩa thế nào là “hạnh phúc”, từ giáo dục, y tế, môi trường…
Quy chiếu vào những tiêu chuẩn ấy, bạn có đang thấy hạnh phúc không? Tôi có đang thấy hạnh phúc không? Chúng ta có ai đang cảm thấy hạnh phúc không? Hay tất cả, vẫn đang bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt rơi xuống từ run sợ lẩy bẩy, ám ảnh bởi tiếng khóc xé lòng từ con phố, nơi sự thiếu hiểu biết trong mưu sinh nhọc nhằn đã cướp đi sinh mạng của bao người vô tội.
Trước ngày Hạnh phúc, ở nơi tột cùng bất hạnh và tang thương ấy, chỉ còn tiếng gào lên tuyệt vọng “Chạy nhanh lên chị ơi” sau tiếng nổ vang trời, sau những xác người vương vãi trên mặt đường; chỉ còn lại sự hoảng loạn và mất mát đau đớn tột cùng của những người ở lại. Cái chết từ đâu ập xuống, trong tích tắc, chóng vánh đến khủng khiếp.
Ngày quốc tế hạnh phúc của những người tột cùng bất hạnh
Ngày Hạnh phúc, có lẽ chẳng cần dùng hệ quy chiếu nào, chỉ mong không bao giờ phải thấy ánh mắt đờ đẫn, vô hồn của người ở lại, chỉ mong mỗi người đều được sống, một cách bình thường và giản dị nhất.
Đó là ngày người mẹ đi giao trứng về sớm, chở cô con gái đi chơi một vòng, rồi cùng về căn nhà thuê trọ tíu tít những chuyện trò; là ngày mà vợ chồng người buôn đồng nát thu mua được những món đồ đều đặn như mỗi ngày, gửi tiền về quê đóng học cho con; là ngày mà anh tài xế xe tải chở xong hàng hóa, về với gia đình trong bữa cơm chiều đủ đầy ấm cúng ;…là ngày mà ai cũng thấy sự bình yên trên mỗi gương mặt.
Từ bao giờ, chúng ta sống trong bất an lo lắng đến như thế này? Những cái chết oan ức, tức tưởi ập đến bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả người còn sống cũng day dứt không hiểu nổi, sự chia lìa vĩnh viễn ấy do đâu mà có.
Người ông đến nhận thi thể cháu nội và con dâu sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông không còn đứng vững
Người ông đến nhận thi thể cháu nội và con dâu sau vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông không còn đứng vững, ngã khuỵu xuống trong hoang mang, không biết tại sao còn mới “chào bố”, “chào ông” hôm qua, hôm kia, giờ đây lại chỉ còn là hai cái xác vô hồn phủ manh chiếu giữa lòng đường. Rồi sẽ sống với đau lòng đến nhường nào, khi sắp tắt một đời mà con cháu không còn?
Đau lòng ấy, y như cách đây vài ngày, người mẹ ngất lịm khi nhận lại thi hài của bố chồng và con gái ở Bồ Đề, Long Biên sau tai nạn thảm khốc. Tai họa từ đâu giáng xuống, đau như bị cắt một phần thân thể mà không cách gì giữ được. Cũng là hai cái xác không còn lành lặn, lạnh lẽo, vô tội nằm đó.
Những cái chết ấy, không chỉ chôn vùi cuộc sống của một con người, mà là cách “giết” người sống một cách dằn vặt nhất, dai dẳng nhất cho đến hết phần đời còn lại.
Ngày Hạnh phúc, người ta lại nói về Bhutan, quốc gia duy nhất trên thế giới dùng “hạnh phúc” làm thước đo của sự phát triển chứ không phải những chỉ số về kinh tế hay thu nhập đầu người. Ở Bhutan, hạnh phúc, khỏe mạnh quan trọng hơn tất cả những điều khác. Ở đó, không có tiếng kêu thét xé ruột gan như ở Văn Phú hôm qua, hay ở Bồ Đề hôm nọ.
Ngày Hạnh phúc, không dám mơ những chỉ số vĩ mô dùng làm thước đo, chỉ mong vơi bớt sự bất an từ trên trời rơi xuống.
Theo VTC News