‘Nghe bằng mắt đôi khi rõ hơn nghe bằng tai’

[Ngày Nay] - “Khi thấy chúng tôi giao tiếp bằng ngôn ngữ kí hiệu, nhiều người nghĩ chúng tôi hâm, múa may quay cuồng dở hơi, họ không hiểu đó là ngôn ngữ của người điếc. Khi đi làm, người ta nghĩ người điếc nói không nghe thấy gì chắc chẳng biết làm gì nhưng họ đâu biết người điếc có thể nghe bằng mắt rất tốt, thậm chí làm việc cẩn thận hơn nhiều người nghe…”.
Anh Đỗ Hoàng Thái Anh, Giám đốc Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng
Anh Đỗ Hoàng Thái Anh, Giám đốc Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng

Đó là những định kiến khiến anh Đỗ Hoàng Thái Anh, Giám đốc Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng luôn nỗ lực tìm hướng đi giúp người điếc đến gần cộng đồng.

Ngập ngừng bước ra cửa

Bị điếc bẩm sinh, những ngày cậu bé Đỗ Hoàng Thái Anh chưa đến tuổi đến trường, thế giới không âm thanh lúc nào cũng nhàm chán và im lặng. Thái Anh nói chuyện với mẹ bằng những điệu bộ riêng vốn quy ước giữa hai mẹ con, đơn giản là ánh mắt, cử chỉ do Thái Anh tự nghĩ ra và biểu lộ với mẹ.

Đến tuổi cắp sách đến trường, mẹ cho Thái Anh nhập học trường dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Từ đó, hai mẹ con cùng nhau học các ký hiệu ở trường. Học xong bao giờ Thái Anh cũng gọi mẹ nói chuyện. Trong kí ức của mình, mẹ Thái Anh lúc nào cũng sẵn lòng tiếp chuyện đứa con trai bé bỏng. Hai mẹ con nói chuyện với nhau một cách dễ dàng như chẳng có bất cứ rào cản nào về ngôn ngữ.

Ở nhà là thế, cứ bước ra khỏi cửa, Đỗ Hoàng Thái Anh lúc nào cũng loay hoay giao tiếp với mọi người. Việc nói chuyện với mọi người trong khu phố chẳng bao giờ dễ dàng; muốn hỏi gì, mua gì cũng thật khó. “Tôi khao khát nói được bằng miệng, giao tiếp như những người bình thường nhưng không thể. Tôi thấy ngôn ngữ ký hiệu của mình như một sự xấu hổ vì nó rất khác với mọi người. Lúc muốn thể hiện mong muốn, tôi rụt rè dùng ký hiệu…”.

Học xong lớp 5 ở trường dân lập dạy trẻ điếc Nhân Chính, Thái Anh bắt đầu khám phá thế giới với vốn tiếng Việt rất hạn chế, ngôn ngữ kí hiệu thì thiếu thốn. Anh mày mò rồi thi đỗ một khóa học kí hiệu ở Sài Gòn do một tiến sĩ người Mỹ tập huấn. Đó là khi anh dần dần khám phá ra âm vị, hình vị, kí hiệu – những điều hấp dẫn trong thứ ngôn ngữ chính của người điếc. Anh bảo, âm, vần, nguyên âm, phụ âm… trong tiếng Việt là mảng kiến thức xa lạ và rất khó với người điếc bởi nó là ngoại ngữ của người điếc. Ngữ pháp tiếng việt và ngữ pháp của ngôn ngữ kí hiệu trong thế giới người điếc hoàn toàn khác nhau. Người điếc dùng ngôn ngữ kí hiệu, còn tiếng việt được coi là ngoại ngữ dùng để viết ra, giao tiếp với cộng đồng.

“Người điếc có thị giác rất tốt, như kiểu ông trời có luật bù trừ, thiếu cái này bù đắp cái kia. Nhiều khi nghe bằng mắt rõ hơn nghe bằng tai. Nghề gì người điếc cũng làm được nhưng xã hội vẫn còn quá nhiều rào cản, tôi muốn làm điều gì đó để xã hội nhìn nhận đúng hơn về người điếc” - anh nói.

May mắn thay, cuộc sống đưa đẩy giúp Thái Anh gặp những người bạn tốt. Anh có người bạn chơi thân chuyên làm du lịch nên chịu khó giao tiếp, kiên nhẫn nói chuyện với Thái Anh. “Tôi học được nhiều kí hiệu từ anh ấy, và anh cũng hiểu những kí hiệu của tôi. Rồi trong những chuyến đi làm hướng dẫn viên của mình, anh ấy thấy rất nhiều người điếc đi du lịch. Anh kết nối cùng tôi làm tour du lịch cho người điếc. Cứ thế, tôi bước chân vào nghề hướng dẫn viên du lịch được 7 năm…”.

Trung tâm phiên dịch đầu tiên cho người điếc tại Việt Nam

Trong hành trình hòa nhập cộng đồng của mình, càng khám phá ra cái hay trong ngôn ngữ kí hiệu, Thái Anh càng ham học hỏi. Anh vào Sài Gòn, Đồng Nai tìm hiểu về ngôn ngữ của người điếc. Anh bảo, người điếc rất khó để đến gần cộng đồng, đi đâu cũng gặp rào cản giao tiếp, từ khám bệnh đến ma chay, cưới hỏi, tham gia giao thông công cộng… trong khi đó người phiên dịch cho họ ít quá. Không có ai phiên dịch, người điếc cứ loay hoay giữa xã hội, như sống giữa một quốc gia lạ lẫm.

“Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu người điếc, có khoảng 30 CLB người điếc trên tổng số 63 tỉnh thành, họ gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, trong khi đó cả nước chỉ vẻn vẹn có 10 phiên dịch. Hà Nội có 6 người, Sài Gòn 4 người. Số lượng phiên dịch viên cho người điếc vô cùng ít, như hạt cát giữa biển, người điếc tiếp cận thông tin gì cũng khó” – Đỗ Hoàng Thái Anh chia sẻ.

‘Nghe bằng mắt đôi khi rõ hơn nghe bằng tai’ ảnh 1Thái Anh và bạn bè quốc tế

Trong khi đó, trên hành trình đi học, giao lưu với các nước bạn, Thái Anh nhận thấy, Hàn Quốc có đến 500 trung tâm phiên dịch giúp đỡ người điếc, Thái Lan cũng có khoảng hơn 50 trung tâm phiên dich, Mỹ có rất nhiều trung tâm phiên dịch trợ giúp người điếc và hoạt động vô cùng hiệu quả… Sau những chuyến công tác đến Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc… Thái Anh nung nấu ý tưởng tạo lập một trung tâm phiên dịch giúp đỡ người điếc đầu tiên tại Việt Nam.

Trước đó, anh theo đuổi 12 năm duy trì trung tâm đào tạo ngôn ngữ kí hiệu ở Hà Nội.  Tất cả do anh tự quay vòng vốn, thuê nhà, trả lương cho giáo viên… để làm sao có thật nhiều phiên dịch viên cho người điếc. 12 năm cũng là số tuổi của con trai anh – 12 năm vừa bươn trải làm kinh tế, nuôi vợ con, vừa duy trì trung tâm đào tạo ngôn ngữ kí hiệu ở Hà Nội, anh chấp nhận làm không lương. Ban ngày anh dạy gia sư cho trẻ điếc, buổi tối lại chăm chỉ đến trung tâm dạy ngôn ngữ kí hiệu. Để xoay sở tiền chi trả thuê phòng học cho trung tâm và nuôi vợ con, đối với người nghe đã khó, huống hồ người điếc như anh. Vậy mà, sau bao nỗ lực, anh đã đào tạo được nhiều phiên dịch viên, người đã sang Pháp, người về Hải Phòng lập nghiệp…  Chính anh là người đã đóng góp thêm nhiều phiên dịch viên cho đội ngũ phiên dịch viên cho người điếc vốn rất ít ỏi ở Việt Nam.

Năm 2014, Thái Anh may mắn được tham gia “Hội trại thanh niên điếc thế giới” tổ chức tại Hàn Quốc và trải nghiệm những dịch vụ xã hội dành cho người điếc ở quốc gia này, trong đó có Dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu ở đất nước bạn. Trở về Việt Nam, mãi đến năm 2017, anh bắt đầu thực hiện ước mơ của mình, anh chia sẻ và giới thiệu về dịch vụ tổng đài phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu với cộng đồng người điếc. Thái Anh lặn lội đến thăm từng gia đình người điếc để đánh giá thực trạng và khảo sát nhu cầu thực tế của người điếc và gia đình người điếc tại Việt Nam.

Sau 4 năm ấp ủ, anh chạy thử demo tổng đài phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu ở nhiều môi trường khác nhau có người điếc, mạnh dạn chia sẻ ý tưởng với xã hội và  tự tin kể ước mơ của mình trong cuộc thi SDG Challenge 2017. SDG challenge 2017 là cuộc thi nhằm tìm ra những ý tưởng độc đáo, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội do Hatch! Ventures và UNDP đồng tổ chức. Vượt qua các 3 vòng thi: Vòng đơn, bán kết (tại Hà Nội) và chung kết (tại thành phố Hồ Chí Minh), ý tưởng về dịch vụ phiên dịch cho người Điếc qua video của Đỗ Hoàng Thái Anh dành chiến thắng.

Góc nhỏ bình yên…

Ý tưởng tạo cầu nối giao tiếp giữa người điếc và người nghe, xóa đi cản trở do bất đồng ngôn ngữ là điều tích cực mà Thái Anh muốn nhân rộng từ rất lâu. Sử dụng nguồn vốn của UNDP hỗ trợ từ cuộc thi, Thái Anh nhanh chóng bắt tay vào mở công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với trụ sở công ty nằm khiêm nhường trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Ý tưởng của anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Hàn Quốc với hỗ trợ phần mềm ứng dụng mang tên Iseetalk. Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng gắn camera và kết nối internet, cài đặt ứng dụng Iseetalk, bất cứ người điếc nào cũng giao tiếp dễ dàng hơn nhờ một phiên dịch viên trực tuyến hỗ trợ những lúc cần đi  khám bệnh hay giao tiếp với mọi người. Qua video, phiên dịch viên sẽ dịch ngôn ngữ ký hiệu ra tiếng nói, và ngược lại. Mức phí sử dụng dịch vụ phiên dịch dành cho người điếc qua hệ thống online khoảng 200.000 đồng/tháng. Đó là mức phí không đắt trả công cho những phiên dịch phiên học ngôn ngữ kí hiệu ròng rã đến cả chục năm.

“Mọi người cứ nghĩ cần một khoảng thời gian nhất định như 3-5 năm là thành phiên dịch thành thạo nhưng không phải. Đối tượng người điếc có nhiều trình độ khác nhau, vùng miền khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, ngữ cảnh khác nhau… để có thể phiên dịch được trôi chảy có phiên dịch viên phải mất 5-7 năm nghiên cứu, thậm chí 11 năm học ngôn ngữ kí hiệu để có thể giao tiếp trung gian giữa người điếc và người bình thường” – Thái Anh cho biết.

‘Nghe bằng mắt đôi khi rõ hơn nghe bằng tai’ ảnh 2Phiên dịch viên đang hỗ trợ người điếc kết nối với người nghe qua ứng dụng Iseetalk

Nỗ lực truyền cảm hứng và nhận quả ngọt của Thái Anh có được hôm nay không thể không kể đến sự khích lệ đồng hành của người vợ hiền. Vợ anh, cũng là một người điếc, gặp Thái Anh trong một cuộc thi văn nghệ giữa các trường khuyết tật ở Hà Nội. Ngày ấy, hai vợ chồng đi thi văn nghệ ở Cung thiếu nhi thành phố, anh là đội múa của trường Nhân Chính, vợ anh trong đội múa của trường câm điếc Xã Đàn. Hai người biết nhau từ dạo đó và nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc nở hoa khi hai vợ chồng sinh được cậu con trai khỏe mạnh năm nay đã 12 tuổi.

“Người ta cứ nghĩ hai vợ chồng bị điếc sẽ gặp vô vàn khó khăn trong giao tiếp, nhưng nhà tôi rất thuận tiện, ai cũng nói chuyện bằng kí hiệu. Bà nội luôn cũng dạy cháu trai học ngôn ngữ kí hiệu để nói chuyện với bố mẹ. Gia đình là khoảng trời luôn bình yên và hạnh phúc” – Thái Anh cười nói. Ngày ngày vợ anh bán hàng, anh cuốc bộ thong thả từ khu tập thể Thành Công đến địa chỉ công ty chỉ chừng vài trăm mét. Có khi anh đi xe máy để tiện đưa đón con đi học. Mọi công việc của chồng, vợ anh đều thông cảm và khích lệ.

“Tôi mong một cuộc sống mà người điếc có thể tự lập, tự chủ, đứng vững giữa cuộc đời. Nếu không có những dịch vụ hỗ trợ người điếc đến gần cộng đồng thì sau khi bố mẹ người thân họ không còn sống, ai sẽ chăm sóc họ? Ở Hà Nội, chưa đến 10 người điếc có thể tự làm kinh doanh, làm chủ và vững vàng kinh tế, phần lớn họ quán trà đá, hạy xe ôm, lao động chân tay…  rất vất vả để tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Tôi mong muốn số người điếc làm chủ doanh nghiệp, vững vàng kinh tế sẽ tăng lên trong tương lai nhờ những dịch vụ hỗ trợ kết nối thiết thực…”.

Đỗ Hoàng Thái Anh

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.