Giới sân khấu TP HCM gần đây xôn xao về điều khoản trong nghị định 15/2016 về biểu diễn ca múa nhạc, ghi hình sân khấu... Quy định này cho biết: "Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa sáu tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng".
Việc tác phẩm sân khấu chỉ được cấp phép diễn trong một năm sau đó phải xin phép lại khiến nhiều người trong nghề bức xúc. Nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết nghị định này vô lý, rườm rà, gây khó khăn cho nhà tổ chức. Theo anh, những vở như Tô Ánh Nguyệt, Tô Hiến Thành xử án... từ nhiều năm nay đã được công nhận và cấp phép công diễn. Nhưng khi tổ chức đoàn mang tác phẩm biểu diễn ở Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa..., anh đều mất thời gian xin duyệt lại, diễn phúc khảo.
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân nhận xét quy định thời hạn giấy phép công diễn vở sân khấu trong một năm sẽ hạn chế việc phổ biến tác phẩm đến với công chúng.
Hiện sân khấu của Hồng Vân chỉ diễn cố định, ít lưu diễn nên không gặp khó khăn, phiền hà. Nhưng theo chị, những sân khấu mang chương trình đi lưu diễn sẽ tốn nhiều chi phí vô lý: "Với một vở kịch, chương trình đã tập, duyệt, không nhà tổ chức nào dại thay đổi nội dung vì chỉ mất thời gian, tốn thêm tiền bạc. Trong tình hình sân khấu khó khăn như hiện nay, những thủ tục hành chính rườm rà chỉ khiến người hoạt động nghệ thuật bị thiếu máu lửa, giảm tâm huyết cho nghề", chị nói.
Đạo diễn Ái Như - sân khấu Hoàng Thái Thanh - có cùng ý kiến. "Trong bối cảnh sân khấu xã hội hóa đang dần tắt đèn thế này, những thủ tục hành chính rối rắm khiến chúng tôi mất dần 'lửa nghề' ", nghệ sĩ tâm sự.
Kim Tử Long cho rằng quy định cấp giấy phép cho kịch sân khấu tối đa 12 tháng là bất hợp lý. |
Ông Huỳnh Anh Tuấn - sân khấu kịch Idecaf - khẳng định quy định mới đang khiến đơn vị của anh gặp rối rắm. Trước đó, ông "bầu" không biết gì về quy định này, đến khi được hỏi, ông mới xem lại giấy phép dành cho vở Đời bỗng dưng yêu - công diễn Tết 2017 trên sân khấu Idecaf - và phát hiện thời hạn diễn vở chỉ đến giữa tháng 1/2018.
"Chúng tôi không nhận được một công văn đàng hoàng từ cơ quan chức năng để hiểu rõ hoặc phản hồi nếu thấy bất hợp lý", ông nói. Ông Tuấn cho biết có nghe nói về việc Sở Văn hóa TP HCM sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa về vụ việc này nhưng đến nay vẫn chưa thấy động thái rõ rệt.
NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự một tháng sân khấu của chị ra một vở mới, việc gia hạn giấy phép sẽ gây tốn kém thời gian. "Thay vì cần nhận được sự hỗ trợ từ Sở Văn hóa đối với những suất diễn, chúng tôi lại mất thời gian công sức gia hạn giấy phép trước khi gồng mình gánh chi phí cho suất diễn. Là sân khấu xã hội hóa, chúng tôi tự thu chi, gánh lỗ, khán giả èo uột. Các thủ tục hành chính nhiều lúc khiến nghệ sĩ nhụt chí, không còn hơi sức để đầu tư vở mới", chị bức xúc.
Ông Tôn Thất Cần, Phó Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cho biết trước khi trình chính phủ ký ban hành nghị định, Bộ Văn hóa có lấy ý kiến của Sở nhưng không đề cập đến thời hạn hiệu lực của giấy phép biểu diễn. Sau đó, các sân khấu mới biết đến sự thay đổi này.
Ông Cần cho biết Sở Văn hóa chỉ là đơn vị thực hiện quy định nhà nước. Theo ông, Sở Văn hóa luôn tạo điều kiện để đơn vị tổ chức đưa tác phẩm sân khấu đến các tỉnh thành. Các vở kịch như Ngày xưa ngày xưa (sân khấu Idecaf), Người vợ ma (sân khấu kịch Phú Nhuận) được hướng dẫn làm thủ tục và không phải đóng thêm chi phí cấp phép.
Đại diện Sở khẳng định sẽ ghi nhận các ý kiến bức xúc từ những đơn vị sân khấu của thành phố. Sau đó, ở những cuộc họp tổng kết ngành của Bộ Văn hóa, Sở sẽ đưa ra kiến nghị để sửa đổi nghị định phù hợp hơn.