Tôi rủ bạn, thứ 4, thứ 5 tuần này, nếu có rảnh sắp xếp để lên vùng cao, tham gia vào đoàn từ thiện xây trường cho các cháu nhỏ đang thiếu trường, lớp, huy động thêm cả sách vở để làm thư viện cho các con. Bọn trẻ tội lắm, lớp học hiện nay không đủ chắc chắn, gió lùa, rét mướt.
Bạn tôi nghe xong, lặng đi đôi chút rồi trả lời, con gái nhà anh, thứ 4, thứ 5 hàng tuần đang phải nghỉ học, anh phải ở nhà trông con bé và kèm cặp, không đi được. Tôi gặng hỏi tiếp, sao đang đi học lại nghỉ giữa tuần, sao học hành gì kỳ vậy?
Bạn giải thích, trường học của con bé út tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai quá tải mấy năm nay, hầu như năm nào con cũng phải nghỉ 1,2 buổi, gọi là nghỉ học luân phiên, để nhường lớp, nhường chỗ cho các bạn. Năm nay tình hình cũng không có gì tiến triển khi khối lớp 1 tiếp tục “phình to” bất thường. Nhà trường phải cho nghỉ học kiểu “xoay tua”. Và chẳng biết đến bao giờ cái nhịp điệu bất thường “nghỉ - học, nghỉ - học” như thế này mới kết thúc.
Vì sao dẫn tới tình trạng trường lớp quá tải? Câu trả lời khá đơn giản, khi quy hoạch đô thị, xây dựng vô số các khu chung cư, người ta đã không tính toán hết nhu cầu của các gia đình khi họ chuyển tới. Và nhu cầu cần thiết nhất đó là trường học.
Năm nay, bậc tiểu học của quận Hoàng Mai vẫn có 17/ 18 trường học sinh phải học luân phiên. Cụ thể, 12/18 trường gồm Đại Kim, Đại Từ, Đền Lừ, Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, Định Công, Giáp Bát, Tân Định, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Yên Sở: học sinh khối 2,3,4,5 sẽ phải học 10 buổi/tuần có luân phiên thứ bảy. 2 trường Tân Mai, Vĩnh Hưng, học sinh khối 2,3,4,5 chỉ học 9 buổi/tuần có luân phiên thứ bảy và 2 trường Chu Văn An, Hoàng Liệt học sinh khối 2,3,4,5 chỉ học 8 buổi/tuần có luân phiên thứ bảy. Trường Tiểu học Thúy Lĩnh chỉ học 7 buổi/tuần có luân phiên thứ bảy.
Trả lời một số cơ quan báo chí dịp đầu năm học, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận này hiện có số lượng học sinh đông nhất thành phố Hà Nội với 92.000 học sinh. Số học sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020-2021 trên địa bàn tăng hơn 3.000 em so với năm học trước. Nếu theo quy định của điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, không quá 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, thì quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 30 trường.
Vâng, đó chỉ là tính toán sơ bộ, quận Hoàng Mai thiếu khoảng 30 trường học. Vậy số học sinh dư thừa sẽ đi đâu về đâu? Nếu không sang được trường công của quận khác, thì chấp nhận ở lại, học trong lớp với khoảng hơn 60 em. Nếu không muốn học trong lớp đông đúc, và vẫn phải nghỉ luân phiên thì bố mẹ có thể đưa con mình vào trường dân lập với mức học phí từ cao đến rất cao. Và giải pháp này xem ra không dễ chịu chút nào, giữa thời Covid -19.
Bạn tôi loay hoay, bất lực và đôi khi cáu bẳn mỗi khi phải nghỉ làm để ở nhà trông con, dù biết rằng, con mình chưa bao giờ có lỗi. Con bé vẫn luôn muốn đến trường hơn là ở nhà để tự học hoặc xem tivi cho qua ngày.
Thú thực, câu chuyện trẻ phải nghỉ học luân phiên nhiều ngày trong tuần, ở giữa thủ đô là câu chuyện tôi thấy lạ lùng. Và nó gây khó chịu, bứt rứt.
Chẳng phải kinh tế của chúng ta đang phát triển rất tốt? Minh chứng là những khu đô thị mọc lên như nấm sau mưa, nhìn hoành tráng, long lanh chẳng kém gì những thành phố lớn ở châu Á. Vậy tại sao, trẻ phải nghỉ học, mà cũng chẳng phải năm nay tình trạng này mới diễn ra, nó cũng không là câu chuyện cá biệt ở chỉ một phường, mà xảy ra trên diện rộng cả quận, thậm chí nhiều quận. Một quận mà thiếu tới 30 trường, thì học sinh đi đâu, về đâu?
Lứa chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên khi đất nước vừa trải qua chiến tranh, trải qua những năm tháng khó khăn cực điểm khi nền kinh tế đóng cửa, tự cung tự cấp, nhưng tôi vẫn nhớ như in rằng, chưa bao giờ, chưa khi nào tôi và bạn bè mình phải nghỉ học giữa tuần tới 2 buổi.
Hai ngày trong tuần đó, bọn trẻ chúng tôi cần đến trường và đã được đến trường nếu không học thì cũng là khoảng thời gian được gặp bạn bè, được vui chơi, vận động chứ ở sân trường rộng lớn. Không đứa nào bị nhốt ở nhà, giữa bốn bức tường. Trẻ con không thể và không nên bị nhốt vào một không gian bức bí như vậy.
Tôi động viên bạn mình theo kiểu AQ, thôi thì xã hội đang kêu ca các cháu học nhiều, bây giờ được nghỉ nhiều, biết đâu lại là cái may, bọn trẻ con vẫn thích nghỉ học đấy thôi.
Bạn tôi cười như mếu.