Câu chuyện tăng phí đường bộ dường như đã không còn xa lạ. Thậm chí, những con đường sửa chữa “qua loa” rồi gắn mác BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) để thu phí đến nay vẫn còn nguyên giữa “bia miệng” dư luận. Thế nhưng, việc tăng phí có hợp lý hay không, người dân phải bóp cái dạ dày của mình để “nuôi” cái chân – di chuyển, có thực sự xứng đáng hay không lại là câu chuyện còn nhiều bàn luận.
Liên quan đến việc tăng phí đường bộ, đường cao tốc đầy tranh cãi này, nhất là với con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, một trong những cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn tiên tiến thế giới, bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ĐB Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội để làm rõ câu chuyện này.
ĐB Cao Sĩ Kiêm trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Ảnh Dương Thu.
Phóng viên: Thưa ĐB Cao Sĩ Kiêm, thời gian qua, dư luận người dân khá bất an trước tình trạng phí đường bộ nói chung và phí cao tốc nói riêng đều có xu hướng tăng lên. Ông có bình luận gì về tình trạng này và theo ông những nguyên nhân do đâu?
ĐB Cao Sỹ Kiêm: Nếu việc thu phí tăng lên kèm theo chất lượng đường tốt hơn thì đấy là một việc hợp lý. Bởi kinh tế thị trường, nước nào cũng phải chấp nhận điều đó.
Tuy nhiên ở Việt Nam, câu chuyện tăng phí đường bộ nói chung và cao tốc nói riêng còn có nhiều vấn đề.
Một là, khoảng cách giữa các trạm thu phí còn quá dày. Điều này là bất hợp lý cho cả người dân và doanh nghiệp.
Hai là, mức thu quá cao so với thu nhập của dân. Chi phí bỏ ra so với mức thu để hoàn vốn là điều người dân khó kiểm soát. Không ai có thể biết cụ thể chi phí ở mức nào, cao là bao nhiêu, thời gian thu dài ngắn ra sao cho vừa sức của dân. Những vấn đề này chưa rõ ràng minh bạch. Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý và cơ quan chấp hành không công khai minh bạch. Nếu người dân được biết một cách hợp lý thì đương nhiên họ sẽ ủng hộ.
Thứ ba, nhiều chi phí bất hợp lý có thể nhìn thấy rõ. Ví dụ như, có những con đường chỉ tán nhựa một tý mà tăng thu mấy lần, trong khi đường cơ bản người dân vẫn đang đi bình thường. Vậy thì, đầu tư bao nhiêu để có tăng thu như vậy cũng chưa rõ, vẫn mập mờ.
Thứ tư, các mức phí đều đã đánh vào xăng dầu, các đầu xe khi mua, bây giờ lại tăng phí đường là quá nhiều. Như vậy là thêm một vấn đề không minh bạch.
Hơn thế nữa, có những con đường người ta không đi qua thường xuyên mà chỉ đi qua một đoạn không được sửa chữa nhưng lại thu phí.
Đó là những điều bất hợp lý cơ bản ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nó tạo thành những dư luận không tốt, vừa đánh vào tâm lý, niềm tin vừa đánh vào túi tiền của dân, của doanh nghiệp. Đây cũng là thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, nó sẽ đội giá thành, giảm mức cạnh tranh.
Việc thu phí đường bộ nói chung và phí cao tốc nói riêng, tôi thấy còn mờ mờ ảo ảo nên chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Phóng viên: Có luồng ý kiến dư luận cho rằng, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng “chỉ dành cho nhà giàu”. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐB Cao Sĩ Kiêm: Tôi thấy như thế cũng không phải. Bởi khi người dân đi vào những con đường được hưởng dịch vụ cao mà hợp lý thì việc đóng thuế cao, người giàu cũng như người nghèo. Còn với những người có mức thu nhập thấp hơn một chút thì vẫn có đường khác để đi. Mỗi người dân có quyền chọn phương thức tiêu dùng của mình chứ không nhất thiết phải đi vào đường cao tốc như vậy.
Tuy nhiên, vấn đề thu cao hay thấp đều phải được công khai minh bạch để người dân thấy hợp lý. Còn khi người dân chưa được biết rõ ràng mà cứ ấn để làm, để thu phí tăng lên thì người dân sẽ mất niềm tin và không thực hiện nghiêm túc.
Phóng viên: Việc tăng phí đường bộ khắp nơi như thời gian qua, dư luận đặt nghi vấn về một sự móc nối nào đó giữa các nhà thầu BOT và Bộ Giao thông Vận tải. Ý kiến của ông như thế nào?
ĐB Cao Sĩ Kiêm: Dư luận đó cũng không có gì lạ. Là bởi vì như tôi đã nói ở trên, các tiêu chí thu phí hiện nay không rõ ràng, không minh bạch. Rất có thể có nhóm lợi ích ở đây. Từ khâu duyệt, thi công đến những cơ quan có trách nhiệm quản lý… họ đều có thể lờ đi và họ thống nhất với nhau. Đó là những vấn đề không minh bạch cần làm rõ.
Phóng viên: Vậy, giải pháp nào cho vấn đề này, có nên thành lập nhóm chuyên gia đặc biệt chuyên nghiên cứu về việc tính phí đường bộ, thưa ông?
Thực ra, đó cũng có thể là một việc cần thiết nhưng theo tôi, có những việc khác cần làm hơn. Là bởi chúng ta đã có những cơ quan chức năng chuyên môn, phải có trách nhiệm cụ thể theo luật pháp, họ phải làm đúng trách nhiệm và vị trí của mình kể cả việc điều chỉnh mức phí cho hợp lý. Còn việc thành lập một ban chuyên gia chung nào đó, nếu không cẩn thận thì hiệu quả quản lý sẽ không cao.
Theo tôi, một bộ máy có trách nhiệm cao, quản lý hiện đại là phải có trách nhiệm chuyên sâu.
Phóng viên: Xin hỏi ông câu hỏi cuối cùng, liệu đến bao giờ, người Việt Nam mới thôi không phải nơm nớp lo sợ tình trạng “phí chồng phí” như hiện nay?
Tất nhiên, chúng ta cũng sẽ tiến lên theo thông lệ quốc tế vẫn đang hoạt động, thậm chí người dân không cần bỏ tiền vẫn có đường đi. Nếu không như thế chúng ta sẽ bị tụt hậu. Tuy nhiên, trước khi đạt đến những điều như vậy, chúng ta phải giải quyết những vấn đề cốt lõi, nền tảng. Ví dụ đội ngũ cán bộ, phương pháp làm việc đều phải đổi mới. Còn như hiện nay, tiêu chí, tiêu chuẩn không rõ ràng, trách nhiệm không rõ ràng thì sẽ khó.
Rõ ràng, khi bộ máy công quyền kém thì hậu quả dân phải gánh chịu.
Vâng, xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu (thực hiện)