Tỉnh đã ra nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện với định hướng “Mở cửa hoạt động kinh tế và xã hội vùng xanh và khoá chặt vùng xanh với các vùng vàng, cam, đỏ để chống lây lan dịch bệnh.
Sáng sớm 20/9, người dân vùng xanh trên địa bàn tỉnh chưa kịp vui mừng vì được trở lại trạng thái từng bước bình thường, bất ngờ đón nhận văn bản số 11339/UBND-KGVX, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng ký ngày 19/9, về việc tăng cường kiểm soát việc tham gia lưu thông, di chuyển giữa các vùng trong lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới.
Ngay sau đó, các huyện ra văn bản thực hiện cho mỗi huyện theo cách khác nhau và xuất hiện nhiều bất cập và nghịch lý do địa giới hành chính gây ra.
Vùng xanh được mở cửa cho hoạt động theo 3 cấp dựa vào tỷ lệ phần trăm người dân trong xã, thị trấn. Mục đích của Kế hoạch Vùng xanh nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh tỉnh và cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người dân và đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, vùng xanh cấp xã có tỷ lệ tiêm vắc xin dưới 60% (áp dụng Chỉ thị 15*); từ 60% đến 70% người trên 18 tuổi được tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin (áp dụng Chỉ thị 19*) hoặc trên 70% người trên 18 tuổi được tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin (áp dụng Bình thường mới) .
Đồng thời, giao UBND cấp xã quản lý việc đi lại trong nội bộ xã, nội bộ huyện của toàn bộ người dân đang thường trú/tạm trú trên địa bàn quản lý; giao UBND cấp huyện cấp, quản lý việc sử dụng giấy đi đường cho người có nhu cầu cấp thiết đi đến các huyện, thành phố vùng xanh thuộc tỉnh hoặc đi đến huyện, thành phố vùng đỏ, cam, vàng trong tỉnh (không được trở lại vùng xanh cho đến khi huyện, thành phố đó trở thành vùng xanh).
Đối với cấp huyện, cấp xã vùng đỏ, cam, vàng (áp dụng Chỉ thị 16 và siết chặt việc tham gia lưu thông). Người dân tuyệt đối ở trong nhà (trừ trường hợp chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, mua hàng hóa thiết yếu, thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp đặc biệt khác). 100% người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) phải cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý di chuyển nội địa “VN-eID” do Bộ Công an phát hành để khai báo, quét mã QR tại các chốt kiểm soát và cài đặt, sử dụng ứng dụng sổ sức khỏe điện tử để chứng minh đã được tiêm vắc xin.
Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập các chốt kiểm soát bảo vệ vùng xanh (do lực lượng Công an làm Tổ trưởng) để quản lý, kiểm soát việc tham gia lưu thông, đi lại của người dân đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; bố trí lực lượng phù hợp với chủ trương kiểm soát các vùng của UBND tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc bảo vệ vùng xanh thuộc địa bàn quản lý.
Sau 4 ngày thực hiện, bất cập vùng xanh lộ rõ mà người dân không thể làm gì hơn vì các xã thực hiện lệnh cấm dựa vào cụm từ “Siết chặt vùng xanh”.
Chợ Phan Bội Châu ở vùng cam buôn bán ế ẩm |
Không thể đi rẫy, đi chợ
Khu vực nông thôn người làm rẫy và chăn nuôi không được xây nhà trên đất nông nghiệp nên các vườn, rẫy, trang trại chăn nuôi không có nhà để ở lại, hằng ngày nông dân phải đi làm, chiều trở về nhà.
Phân cấp vùng theo địa giới xã và thị trấn, nhà ở và vườn, rẫy, trang trại nằm trên 2 xã, thị trấn khác nhau về màu sắc xanh hay cam, đỏ đã làm cho người dân khó đi lại vì yêu cầu phải test nhanh mới được vào vùng xanh, ngay cả cấm vào. Nhiều người không thể đến chăm sóc vườn rẫy trang trại của mình.
Ông N.V.S. cho biết: “Từ ngày 20 đến nay ông không đi rẫy được vì qua chốt Sông Nhạn của xã Hưng Lộc là xã xanh nên bị ngăn lại, nếu vợ chồng đi rẫy phải test cả 2 tiền đâu mà test".
Một người dân ở xã Lộ 25 nói: “Xã Lộ 25 không có thuốc sâu rầy, tôi vẫn đi xã Hưng Lộc mua thuốc. Hôm qua, tôi qua các chốt không cho dù xã Lộ 25 và xã Hưng Lộc điều xã vùng xanh. Tôi quay về vì không lẽ đi xin giấy đi mua thuốc và phải test Covid-19 với giá 250.000 đồng?”.
Nhiều xã khác nhau nhưng nằm chung khu dân cư, họ đi chung chợ và từ ngày 21 các phiếu đi chợ thay đổi vì người dân trong vùng xanh không được đi chợ trong vùng vàng, cam, đỏ.
Nghịch lý lại lộ ra khi người dân ở xã vùng xanh phải đi chợ xã mình nằm ở xa hơn 10km còn chợ truyền thống lâu nay thì không còn ai đi chợ. Một tiểu thương bán tại chợ Phan Bội Châu (Thị trấn Dầu Giây) thuộc vùng cam nói: “Giờ chợ vắng, ế quá. Anh xem đi giờ này 15 giờ mà cá thịt còn vậy thì chỉ đổ thôi. Chợ này bán nhờ dân ấp 94, xã Hưng Lộc đến mua mà nay họ buộc dân đi chợ xã Hưng Lộc xa 15km cũng phải đi, còn chúng tôi chợ vắng không người đi chợ.”
Tương tự chợ Thị trấn Dầu Giây cũng ít người đến vì người dân ở xã Bàu Hàm 2 phải đi ngược lên QL20 đến chợ Lê Lợi cách xa 6km vì không được đi chợ Thị trấn Dầu Giây.
Điều này cũng khiến người dân ở các xã khác như Gia Tân 1, Gia Tân 2 thì được đi lại theo vùng bình thường mới còn xã Gia Kiệm, Gia Tân 3 thì vùng vàng, đỏ nên dùng Chỉ thị 16*.
Một công trình xây dựng dang dở |
Tỉnh cho xây dựng nhưng xã lại cấm
Kế hoạch của tỉnh cho phép các vùng xanh hoạt động xây dựng, kinh doanh xây dựng với điều kiện bảo đảm 5K; tuy nhiên các huyện ra văn bản chưa cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và sửa nhà. Trên thật tế nhiều nhà đã bị dừng xây dựng khi đang dở dang, vật liệu xây dựng đã rỉ sét và rong rêu phủ đầy.
Người dân vùng xanh mong muốn được xây tiếp và thợ xây dựng vùng xanh thì đang thất nghiệp cần đi làm để sống, thế nhưng tất cả phải tiếp tục dừng, không được xây dựng và không được bán vật liệu xây dựng; người dân vùng xanh lại phải tiếp tục ở nhà chờ quyết định mới.
Trao đổi về văn bản tiếp tục dừng xây dựng nhà ở của dân do Chủ tịch xã Hưng Lộc ông Lý Văn Thế ký, ông Thế cho biết làm theo văn bản 7564/UBND-KTHT của UBND huyện Thống Nhất. Văn bản của huyện ghi rõ: “Đối với công trình nhà ở (các hạng mục nhà ở) các cơ sở mua bán vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thống Nhất tiếp tục tạm dừng”. Tuy nhiên, văn bản của ông Thế nói được UBND huyện ký từ ngày 17/9, trước Kế hoạch của tỉnh được áp dụng vùng xanh cho hoạt động các công trình Giao thông, Xây dựng…
“Từ những quyết định mang tính cục bộ địa phương cho thấy các xã vì lúng túng hay lo sợ bị làm sai mà huyện thì không có chỉ đạo mới nên người dân chúng tôi không thể xây tiếp nhà đang phơi mưa phơi nắng nhiều tháng nay; trở lại cuộc sông bình thường theo kế hoạch mà UBND tỉnh đưa ra. Chúng tôi mong Tỉnh cụ thể kế hoạch để người dân chúng tôi được xây dựng nhà ở”, N.P.V mong mỏi.