Đại dương hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do khí thải carbon từ hoạt động của con người gây ra kể từ giai đoạn đầu của thời đại công nghiệp. Các đợt nắng nóng ở biển diễn ra mạnh và thường xuyên hơn. Những hiện tượng cực đoan này nguy cơ tác động đặc biệt nghiêm trọng đến các loài không thể di cư để thoát khỏi vùng nước nóng quá mức, như san hô ở Rạn san hô Great Barrier và rừng tảo bẹ ngoài khơi miền Nam Australia và Đông Bắc Thái Bình Dương.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả xem xét tác động do nhiệt độ ở các vùng nước biển sâu tăng đột biến. Tác giả chính của nghiên cứu, bà Eliza Fragkopoulou thuộc Trung tâm Khoa học Đại dương tại Đại học Algarve của Bồ Đào Nha lưu ý đây là nỗ lực đầu tiên nghiên cứu các đợt nắng nóng ở dưới mặt nước biển bởi trước đây các nhà khoa học chủ yếu tìm hiểu về các đợt nắng nóng và tác động của hiện tượng này ở mặt nước biển.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả sử dụng kết quả quan trắc tại chỗ và lập mô hình dựa trên các đợt nắng nóng ở biển trên toàn cầu từ năm 1993 - 2019, trong đó có dữ liệu ở độ sâu 2.000 mét dưới mặt nước biển. Kết quả phân tích cho thấy nhiệt độ cao nhất ở độ sâu 50 - 200 mét dưới mặt nước biển, đôi khi cao hơn 19% so với nhiệt độ mặt nước biển. Nghiên cứu cũng cho thấy thời gian xảy ra sóng nhiệt cũng gia tăng cùng với độ sâu. Tình trạng nóng lên kéo dài tới 2 năm sau khi nhiệt độ mặt nước biển trở lại bình thường.
Qua nghiên cứu, bà Fragkopoulou đánh giá nắng nóng có thể gây tác động mạnh nhất đối với sự đa dạng sinh học ở vùng nước từ bề mặt đến độ sâu 250 mét. Vùng biển rộng lớn nhất được xếp là khu vực chịu ảnh hưởng lớn là ở Bắc Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, với độ sâu từ 1.000 - 2.000 mét.
Trong khi tác động của các đợt nắng nóng ở biển đối với sự đa dạng sinh học ở vùng biển sâu chưa rõ ràng, bà Fragkopoulou cho rằng giới khoa học cần khẩn trương nghiên cứu thêm để hiểu về hiện tượng này cũng như để đối phó với những tác động tiềm tàng đối với ngành du lịch và ngư nghiệp.